Giám đốc pháp lý của Huawei, Song Liuping tại cuộc họp báo ở trụ sở công ty. Ảnh: Reuters
Dự luật NDAA, được quốc hội Mỹ thông qua vào mùa hè 2018, đưa ra lệnh cấm rộng rãi đối với các cơ quan liên bang và những nhà thầu sử dụng thiết bị Huawei vì lý do an ninh quốc gia, viện dẫn mối quan hệ của công ty này với chính phủ Trung Quốc. Huawei đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc công ty bị chính phủ, quân đội hay các cơ quan tình báo Trung Quốc quản lý.
Glen Nager, đối tác tại Jones Day và luật sư đối ngoại của Huawei nói với Reuters rằng tòa án liên bang đã đồng ý về lịch trình tổ chức các phiên điều trần vào tháng 9.
Nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới gần đây đã phải đối mặt với các lệnh trừng phạt lớn hơn khi Bộ thương mại Mỹ đưa công ty vào danh sách đen hôm 16/5. Theo đó, các công ty Mỹ bị cấm kinh doanh với Huawei. Động thái này ngay lập tức phá vỡ ngành công nghệ toàn cầu.
Giám đốc pháp lý của Huawei, Song Liuping ngày 29/5 tuyên bố công ty đang xem xét các biện pháp để chống lại danh sách những đối tượng bị cấm của Mỹ. Theo ông, danh sách đen này đã ảnh hưởng tới hơn 1.200 nhà cung cấp và đe dọa ảnh hưởng tới 3 tỷ khách hàng tại 170 nước.
Ông Song cho biết việc Washington sử dụng các lệnh hành chính và luật pháp để trừng phạt một công ty duy nhất sẽ "đặt ra tiền lệ rất nguy hiểm". "Hôm nay là viễn thông và Huawei. Ngày mai có thể là công ty của bạn, ngành công nghiệp của bạn, khách hàng của bạn", ông Song nói với các phóng viên tại trụ sở của Huawei ở Thâm Quyến.
Lệnh cấm Huawei được đưa ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cuộc chiến trở nên trầm trọng hơn bởi những cáo buộc gian lận ngân hàng và đánh cắp mà Mỹ gán cho Huawei và giám đốc tài chính của công ty.
Huawei, đã được Mỹ gia hạn cho 90 ngày để tiến hành lệnh cấm, phủ nhận các sản phẩm của công ty đặt ra mối đe dọa an ninh và phản đối nỗ lực hạn chế hoạt động kinh doanh mà Washington đang tiến hành.
Vincent Pang, phó chủ tịch cấp cao, người đứng đầu bộ phận truyền thông của Huawei cho biết lệnh hành pháp và danh sách đen đã vượt qua ranh giới cạnh tranh thị trường bình thường. "Điều này có thể dẫn đến tan vỡ hệ sinh thái và tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu", ông Pang nói tại trụ sở của Huawei. Ông nói mình cũng không hy vọng tình hình "chính trị" trì hoãn việc giới thiệu sản phẩm mạng 5G của Trung Quốc.
Hôm 27/5, ông Song đã viết trên tờ WSJ rằng NDAA vi phạm quy trình khi nó "áp dụng trực tiếp và vĩnh viễn cho Huawei mà công ty không có cơ hội từ chối hoặc trốn thoát. Đây là sự chuyên chế trong xét xử của cơ quan lập pháp, điều mà Hiến pháp Mỹ nghiêm cấm".