Chính quyền Indonesia ngày càng mạnh tay trước hành động đánh bắt trái phép của các tàu cá Trung Quốc tại Biển Đông. Nhiều quan chức cho rằng hành động này của ngư dân Trung Quốc là cố ý, nhằm hiện thực hóa yêu sách trái phép trên Biển Đông của Bắc Kinh.
Một tàu cá Trung Quốc đã bị bắn hôm 17/6 trong khi đánh bắt tại vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna - nơi gồm 272 đảo nằm ở phía tây bắc đảo Borneo trên Biển Đông. Quần đảo này có khoảng 70.000 cư dân sinh sống và do Indonesia quản lý.
Ngày 19/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã mô tả vụ việc này như sau: "Trong khi đang hoạt động bình thường tại ngư trường truyền thống ở phía tây nam Biển Đông hôm 17/6, các tàu cá Trung Quốc đã bị một số tàu hải quân Indonesia quẫy nhiếu và bắn phá. Một tàu cá Trung Quốc đã bị hư hại nghiêm trọng, 7 người trên tàu đã bị phía Indonesia bắt giữ".
Kết quả, Bắc Kinh đã cực lực phản đối Jakarta thông qua các kênh ngoại giao, tuyên bố là người Indonesia "vi phạm luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trung Quốc phản đối và lên án mạnh mẽ việc lạm dụng vũ lực đồng thời kêu gọi phía Indonesia ngừng những hành động làm phức tạp, phóng đại các tranh chấp, phá hoại hòa bình và ổn định, xử lý vấn đề đánh bắt cá theo cách mang tính xây dựng".
Một tàu của Hải quân Indonesia. Ảnh: Wikipedia |
Tờ New York Times viết: những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đã bị xúc phạm khi phía Indonesia sử dụng vũ lực. Một người sử dụng Weibo viết: "Anh tự nhận mình là một nước lớn và mạnh vậy mà lại để cho một nước nhỏ như Indonesia tát vào mặt như thế nào?".
Trong một bài báo tương tự đăng trên tờ Times, một người sử dụng Weibo khác đã đăng như sau: "Phe diều hâu trong quân đội đang ở đâu? Đến lược các người xuất hiện rồi đấy".
Tuy nhiên, vấn đề đánh bắt cá không đơn giản như những người theo chủ nghĩa dân tộc nghĩ. Trong khi Bắc Kinh đưa ra yêu sách với 90% Biển Đông bằng "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò" tự tạo, vào năm 2015, Bắc Kinh lại công nhận yêu sách của Jakarta với chuỗi đảo Natuna. "Phía Trung Quốc không có phản đối đối với chủ quyền của Indonesia tại quần đảo Natuna", Bắc Kinh nói. Trong khi các đảo này nằm ngoài "đường 9 đoạn", chúng lại hình thành nên một khu đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý, chồng lấn lên vùng biển mà Bắc Kinh đòi yêu sách.
Tuy nhiên, Bắc Kinh là bên đã ký vào UNCLOS. Theo UNCLOS, các đảo có người ở được hưởng EEZ trong phạm vi 200 hải lý. Có nghĩa là Indonesia và ngư dân của họ có quyền độc chiếm đối với những nguồn cá tại khu vực này. Hơn nữa, khái niệm "ngư trường truyền thống" mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra không được UNCLOS công nhận.
Cuộc chạm trán mới nhất này là lần đụng độ thứ 3 kể từ tháng 3. Khi ấy, một tàu tuần tra của Bộ Ngư nghiệp và các vấn đề Hảng hải Indonesia chặn một tàu cá 300 tấn của Trung Quốc ở cách chuỗi đảo Natuna khoảng 4 km, nằm trong lãnh thổ không thể tranh cãi của Indonesia. Trong sự kiện này, tàu tuần tra Indonesia đã dùng vũ khí nhỏ bắn cảnh cáo tàu cá Trung Quốc, buộc nó phải dừng lại. Các ngư dân Trung Quốc bị giao cho tàu tuần tra Indonesia. Sau đó, một tàu hải cảnh Trung Quốc đã tới hiện trường, liên tục đâm vào tàu cá Trung Quốc cho tới khi nó được tự do và được đưa đi.
Ở thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lập luận rằng vụ việc xảy ra tại ngư trường truyền thống của Trung Quốc và tàu hải cảnh Trung Quốc đã hỗ trợ tàu cá Trung Quốc mà không đi vào vùng biển Indonesia - mặc dù vụ đụng độ xảy ra cách một hòn đảo của Indonesia có 4 km. Ngoài ra, bằng cách sử dung tàu hải cảnh như một chiếc búa đập liên hồi, Bắc Kinh đã gián tiếp vi phạm Quy chế Collision của Tổ chức Hàng hải Quốc tế.
Chỉ mới tháng trước, một tàu khu trục nhỏ của Indonesia đã bắn cảnh cáo một tàu cá Trung Quốc khi nó không chịu ngưng đánh bắt gần quần đảo Natuna. Con tàu này cũng đã bị tịch thu, 8 thủ thủy bị bắt giữ.
Một số nhà phân tích dự đoán phản ứng mạnh mẽ của Jakarta cho thấy sự biến động mới trong Chính sách ngoại giao hướng tới Trung Quốc. Giới chức Indonesia có truyền thống coi nhự những vụ việc tương tự như thế này xảy ra vào năm 2010 và 2013 (kết quả là đã thả những ngư dân Trung Quốc bị bắt) do lo ngại Bắc Kinh có thể cắt giảm đầu tư thương mại. Đây là mối quan hệ thương mại lớn nhất của Indonesia.
Tuy nhiên, tổng thống mới của Indonesia, ông Joko Widodo, xác định xây dựng sức mạnh hàng hải cho Indonesia và tiếp tục cách tiếp cận cứng rắn đối với việc đánh bắt trái phép, bắt đầu trong năm 2014. Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Hàng hải của ông, bà Susi Pudjiastuti, đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi khi đàn áp hoạt động đánh bắt trái phép và đã tích cực công khai bất cứ vụ việc nào trên mạng xã hội cũng như truyền thông.
Một số người tin rằng việc ngư dân Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển Indonesia là cố ý, nhằm mở rộng yêu sách chủ quyền trên biển của Bắc Kinh. Chỉ huy Hạm đội phía Tây của hải quân Indonesia, Achmad Taufiqoerrochman tin rằng Bắc Kinh đã "mở đường" để các tàu cá Trung Quốc xâm nhập "một cách cố ý".
Một quan chức cấp cao giấu tên trong Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng đồng tình: "Tôi nghĩ đó là một xu hướng đáng lo ngại cho thấy tàu cá Trung Quốc kết hợp với các tàu hải cảnh được sử dụng để phát huy một yêu sách không hợp pháp". Tuyên bố này được đưa ra tại cuộc họp báo ở khu vực Đông Nam Á.
Hôm 23/6, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tổ chức một cuộc họp nội các cấp cao trên tàu chiến Indonesia ngay ngoài khơi quần đảo Natuna. Hành động này đã thách thức lời phàn nàn về việc "lạm dụng vũ lực" của Trung Quốc
Có lẽ, Jakarta có đủ khả năng để cứng rắn trong khi Bắc Kinh tỏ ra khó chịu với quyết định sắp tới của Tòa trọng tài Quốc tế về vụ kiện của Philipines. Manila đang tìm kiếm một phán quyết từ Tòa án ở The Hague rằng "những tuyên bố về yêu sách tại Biển Đông phải xứng với UNCLOS. Điều này sẽ làm mất hiệu lực "đường 9 đoạn" của Trung Quốc, phân loại những nơi Trung Quốc chiếm đóng ở trên biển là đá, bãi cạn lúc chìm lúc nổi hay đất chìm chứ không phải đảo. Tuyên bố Philippines có quyền hoạt động tại EEZ của mình cũng như thềm lụcđịa được UNCLOS vạch ra mà không bị Trung Quốc quấy rối".
Phán quyết được dự kiến đưa ra vào cuối tháng này và có khả năng chống lại Bắc Kinh. Trước đó, Trung Quốc tuyên bố không theo vụ kiện.
Nếu Bắc Kinh thua kiện Philippines và tàu cá Trung Quốc tiếp tục lấy cớ "ngư trường truyền thống" để xâm phạm EEZ của Indonesia, chúng ta có thể thấy Jakarta cũng sẽ kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế tương tự để làm xấu thêm vị trí pháp lý của Bắc Kinh về "đường 9 đoạn" của họ. Tốt hơn là chống lại Trung Quốc trên trường pháp lý, thay vì trên biển.
Bảo Linh (National Interest)