Iran đang yêu cầu Saudi Arabia, đối trọng chính về sức mạnh trong khu vực xin lỗi vì vụ giẫm đạp khiến ít nhất 769 người chết gần Mecca vào tuần trước.
Người dân Iran biểu tình bên ngoài đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran sau vụ giẫm đạp trong cuộc hành hương làm hơn 700 người thiệt mạng gần thánh địa Mecca. Ảnh: Washington Post |
Trên website của mình và được viết bằng tiếng Anh, Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã có một động thái gây chú ý khi nói: “Thế giới Hồi giáo có rất nhiều câu hỏi trong vấn đề này và những nhà lãnh đạo của Saudi Arabia thay vì hướng chỉ trích sang những người khác, phải chịu trách nhiệm trong tai họa nặng nề này bằng cách xin lỗi cộng đồng Hồi giáo và những gia đình bị mất mát người thân, và thực thi nghĩa vụ của họ.”
Động thái của ông Khamenei là tin tức mới nhất trong những cáo buộc lẫn nhau sau khi xảy ra tai họa giẫm đạp trong chuyến hành hương thường niên Hajj vào hôm thứ 5 (24/9).
Ít nhất 136 người Iran đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp, xô đẩy, và hàng trăm người Iran khác đang mất tích.
Các quan chức Iran đã cáo buộc giới chức Saudi Arabia vì quản lý kém cuộc hành hương. Hôm thứ 7 (26/9), Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã đề nghị Liên Hợp Quốc điều tra tai nạn này. Iran đã đe dọa dùng vụ việc này để chống lại Saudi Arabia ở tòa án quốc tế và cho biết, vương quốc này không thể quản lý một nghi thức tín ngưỡng với 2 triệu người hành hương tham gia mỗi năm.
Vào tối thứ 7, Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Adel al-Jubeir đã phản bác trước những chỉ trích từ Tehran: “Tôi tin rằng Iran nên hiểu biết hơn, hơn là chơi trò chơi chính trị trong một thảm kịch đã xảy ra với những người đang làm nhiệm vụ tôn giáo linh thiêng nhất, là đi hành hương.”
Trước đó, Vua Salman đã ra lệnh điều tra vụ giẫm đạp và rà soát kế hoạch cho các cuộc hành hương sau này. Ông Jbeir nói thêm, sẽ tiết lộ toàn bộ sự thật và ai gây ra lỗi lầm sẽ phải chịu trách nhiệm…
Saudi Arabia và Iran là những “đối thủ” cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực và tôn giáo. Hầu hết người Iran theo đạo Hồi dòng Shiite, trong khi hầu hết người Saudi Arabia thuộc dòng Sunni.
Linh Mai (theo Washington Post)