(Tinmoi.vn) Iraq giao tranh dữ dội tại nhiều khu vực trọng điểm, Thủ tướng Iraq ban lệnh động viên quân nhân dự bị nhập ngũ và đề nghị Mỹ không kích lực lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL).
Các binh lính Turkmen của phái Shi'ite của Iraq tham gia trận chiến đặc biệt tại thị trấn Taza, miền nam thành phố Kirkuk, Iraq, ngày 19/6.
Theo tin tức từ Reuters, hôm qua (19/6), quân chính phủ lại giao tranh dữ dội với phiến quân ISIL tại Nhà máy lọc dầu Baiji lớn nhất Iraq. Các nguồn tin địa phương cho biết ISIL đã kiểm soát được 60% diện tích nhà máy. Khoảng 250-300 nhân viên nhà máy đã kịp di tản.
Việc phiến quân chiếm được Baiji sẽ đe dọa kiểm soát được nguồn cung dầu thô dồi dào, gây tình trạng thiếu hụt năng lượng tại miền bắc Iraq.
Dù vậy, người phát ngôn quân đội Iraq khẳng định lực lượng chính phủ đã kiểm soát hoàn toàn Nhà máy lọc dầu Baiji và đã giành lại nhiều diện tích ở các thành phố Tal Afar và Samarra.
Tại thành phố Baquba chỉ cách thủ đô Baghdad 60km, phiến quân ISIL đang tấn công dữ dội nhưng Baquba vẫn chưa sụp đổ.
Các thành phố lân cận thủ đô Baghdad là vấn đề sống còn đối với chính quyền Thủ tướng al-Maliki. Mới đây ông al-Maliki tuyên bố chính phủ “đang phản công và sẽ giành chiến thắng.”
Ngày 19/6, Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki đã ra lệnh cho các nhân viên an ninh nhập ngũ trở lại để tăng cường cho các lực lượng đang chiến đấu chống lại cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo chiếm giữ những vùng lãnh thổ rộng lớn.
Sắc lệnh này được áp dụng đối với một số lượng không xác định các nhân viên vẫn là thành viên chính thức của lực lượng an ninh nhưng hiện chưa được phân vào các đơn vị làm nhiệm vụ thường trực.
Hãng AFP đưa tin, tướng Martin Dempsey, tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, xác nhận Washington đã nhận được đề nghị chính thức chống lại tổ chức phản loạn ISIL từ phía chính quyền Baghdad.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trao đổi với các lãnh đạo Quốc hội về tình hình Iraq. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell cho biết ông Obama nói rằng ông không cần sự phê chuẩn của Quốc hội để can thiệp vào Iraq. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney giải thích ông Obama có thể đơn phương can thiệp vào Iraq bởi chính quyền Baghdad đã chính thức đề nghị Washington hỗ trợ quân sự. Ngoài ra, năm 2002 Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn việc can thiệp vào Iraq và quyết định này đến nay vẫn còn hiệu lực. Năm 2011, ông Obama cũng ra lệnh can thiệp quân sự vào Libya mà không cần sự phê chuẩn từ đồi Capitol. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết hiện ông Obama vẫn đang “xem xét các khả năng” chứ chưa ra quyết định.
Hôm qua (19/6), truyền thông Mỹ đưa tin các chiến đấu cơ F-18 đã được phái tới Iraq tuần tra. Đây là lần đầu tiên máy bay chiến đấu Mỹ bay công khai tại Iraq kể từ khi Washington rút quân năm 2011.
Chi MK (Tổng hợp)