Tin mới

Khám phá phong tục đón tết ở Triều Tiên

Thứ hai, 03/02/2014, 08:49 (GMT+7)

Ở Triều Tiên, ngày tết âm lịch mới được khôi phục gần đây, và là dịp đặc biệt để người dân đón năm mới bằng các phong tục cổ truyền.

Ở Triều Tiên, ngày tết âm lịch mới được khôi phục gần đây, và là dịp đặc biệt để người dân đón năm mới bằng các phong tục cổ truyền.

Người dân các quốc gia ở Đông Á đang nô nức đón mừng tết Giáp Ngọ, hay còn gọi là tết con Ngựa truyền thống của mình theo âm lịch. Ở Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam, Singapore, Malaysia…, những quốc gia có nhiều nét tương đồng về văn hóa, Tết Nguyên đán là một trong những ngày lễ trọng đại nhất của năm và được chào đón bằng những phong tục rất trang trọng và thú vị.

Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta sẽ rất muốn biết tết Nguyên đán âm lịch sẽ được chào đón bằng những phong tục như thế nào ở Triều Tiên, một trong những quốc gia bí ẩn nhất thế giới.

Trong phần lớn thời gian kể từ sau khi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên được thành lập, quốc gia này thường không công khai chào đón tết Nguyên đán, nguyên nhân là cố Chủ tịch Kim Nhật Thành coi tết âm là một “tàn tích của chế độ phong kiến”. Thay vào đó, người dân Triều Tiên được nghỉ một ngày trong dịp năm mới dương lịch.

Người dân Triều Tiên nô nức mừng năm mới

Tuy nhiên, đến năm 1989, nhà nước và truyền thông Triều Tiên bắt đầu tuyên truyền tích cực cho lòng quan tâm sâu sắc và tình yêu thương của Chủ tịch Kim Jong-il đối với nhân dân Triều Tiên, và tết âm lịch lại một lần nữa được phép tổ chức ở nước này.

Mặc dù nhiều gia đình Triều Tiên phải chịu nạn đói khá lâu, song hầu hết mọi người đều rất náo nức chào đón ngày tết, tuy nhiên mức độ ăn tết như thế nào lại tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và vị trí xã hội của từng người.

Cũng giống như ở Hàn Quốc và nhiều nước châu Á khác, đồ ăn thức uống luôn được coi là những yếu tố có bản để tạo nên phong vị ngày tết ở Triều Tiên. Trong khi người dân Hàn Quốc thường ăn canh bánh gạo trong dịp tết thì món ăn truyền thống ngày tết của người Triều Tiên là một loại bánh gạo nhỏ có tên gọi là songpeon, tuy nhiên người dân cả hai miền đều coi ngày tết là dịp để các gia đình đoàn tụ và thờ phụng tổ tiên.

Tết ở Triều Tiên thường kéo dài từ 3 đến 4 ngày, nhưng việc chuẩn bị tết thường được tiến hành từ một tháng trước đó. Mặc dù việc thiếu năng lượng và các vấn đề an ninh khiến việc đi lại ở khoảng cách xa gặp nhiều khó khăn và nhiều người không thể về quê ăn tết, các gia đình ở Triều Tiên vẫn cố gắng đoàn tụ hết mức có thể.


Một gia đình Triều Tiên tha hương cúng vọng tổ tiên trong dịp tết

Trong dịp tết, chỉ riêng một gia đình trung lưu gồm 4 người ở Triều Tiên cũng có thể tiêu thụ khoảng 4 kg gạo, 2 kg bột mỳ, 3 kg miến, 2 kg thịt lợn cùng dầu ăn và rượu. Đậu phụ cũng là một món ăn rất phổ biến trong dịp tết ở Triều Tiên.

Vào sáng ngày mùng 1 tết, đàn ông Triều Tiên phải đi tới các nhà hàng xóm để chúc mừng nhau, trong khi phụ nữ không được phép tham gia vào tục lệ này, vì người dân Triều Tiên vẫn tin rằng gia đình sẽ gặp nhiều xui xẻo trong cả năm nếu người Xông đất nhà họ là phụ nữ.

Trong khi cánh đàn ông đi chúc tụng nhau, phụ nữ Triều Tiên thường giết thời gian bằng cách chơi một loại cờ dân gian có tên gọi là Yut Nori và cùng nhau chia sẻ đồ ăn, ca hát và nhảy múa.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào ở Triều Tiên cũng có điều kiện để đón cái tết tràn ngập tiếng cười và niềm vui như vậy. Trong khi một số gia đình trung lưu tương đối đủ ăn và có khả năng kinh tế để đón tết, vẫn còn nhiều người, đặc biệt là những người cơ nhỡ phải tận dụng cơ hội này để có được thức ăn và củi sưởi ấm từ lòng tốt của người khác trong dịp tết.

Một người Triều Tiên đào tẩu nhưng vẫn thường xuyên liên lạc với gia đình ở trong nước kể về hoàn cảnh đón tết của họ hàng mình: “Anh cả của tôi được nhận thịt lợn và rượu phân phối, thế nên gia đình anh ấy đón tết tương đối đủ đầy. Tuy nhiên cô chú tôi ở nông thôn lại không được phân phối bất cứ thực phẩm đặc biệt nào trong dịp này, thế nên họ chỉ làm cơm đón tết bằng gạo trắng như ngày thường.”

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news