Video cho thấy 3 người mặc đồ bảo hộ đã phun chất lỏng trực tiếp lên một nhóm lao động Ấn Độ khi họ ngồi trên mặt đất tại thành phố Bareilly, phía bắc bang.
Ashok Gautam, một sĩ quan cao cấp phụ trách các chiến dịch chống Covid-19 tại bang Uttar Pradesh nói với CNN rằng 5.000 người đã được "phun thuốc công khai" khi họ tới trước khi được phép giải tán. Ông cho biết thuốc khử trùng được sử dụng là một dung dịch được làm từ bột tẩy trắng và không gây hại cho cơ thể con người. Trong khi dó các chất khử trùng hóa học hoạt động trên bề mặt có thể gây nguy hiểm cho người. Và theo WHO, việc phun chất khử trùng lên da sẽ không giết chết virus nếu như nó đã xâm nhập vào trong cơ thể.
Những lao động nhập cư bị phun thuốc khử trùng trước khi được giải tán. Ảnh: CNN
Việc tẩy rửa bằng hóa chất này khiến nhiều người thất kinh tại Ấn Độ. Lav Agarwal, quan chức cấp cao tại Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình cho biết các quan chức địa phương liên quan tới vụ việc đã bị "khiển trách". Ông nói thêm rằng việc phun thuốc vào công nhân nhập cư không phải Chính sách "bắt buộc" tại đất nước. "Đây là một hành động quá tích cực do một số nhân viên cấp dưới thực hiện do thiếu hiểu biết hoặc sợ hãi".
Thẩm phán quận Bareilly, Nitish Kumar cũng đăng Twitter nói rằng trong khi dịch vụ cứu hỏa địa phương và liên đoàn thành phố đang tuân theo lệnh vệ sinh các xe buýt thì họ lại "quá tích cực" khi phun trực tiếp vào người lao động nhập cư. "Lệnh điều tra những người có trách nhiệm đã được ban hành", ông nói.
Ông Kumar, quan chức huyện cấp cao nhất trong thành phố nói thêm rằng những công nhân bị phun thuốc trực tiếp đang được giám sát y tế theo hướng dẫn của giám đốc y tế. Hàng chục nghìn người trong số 45 triệu lao động nhập cư của Ấn Độ đang thực hiện các hành trình dài và gian khổ để về quê. Nhiều người trong số này đã mất việc khi doanh nghiệp đóng cửa ở khắp các thành phố của Ấn Độ do lệnh phong tỏa.
Ngày 29/3, Thủ tướng Narendra Modi kêu gọi tất cả các bang đóng cửa biên giới để ngăn virus corona xâm nhập tới các vùng nông thôn. Các quan chức hiện đang lùng sục hàng triệu công nhân nhập cư trở về quê để cách ly họ 14 ngày.