Sức ảnh hưởng của Nhà nước Hồi giáo (IS), vốn đang đối mặt với các cuộc không kích của Mỹ tại Iraq, đã lan sang Đông Nam Á, nơi các phân tử Hồi giáo cực đoan bị lôi kéo bởi tuyên bố của IS về một nhà nước Hồi giáo độc lập.
Malaysia và Indoneisa đang cảnh báo về một mối đe dọa khủng bố mới từ nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo, một nhánh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda và đã chiếm các lãnh thổ tại Iraq và Syria.
Tại Malaysia và Indonesia, những người ủng hộ IS muốn lật đổ chính phủ của họ vì hiến pháp các nước này không dựa trên luật Hồi giáo, giới chức chống khủng bố từ 2 quốc gia cảnh báo.
Theo các nhà phân tích và cảnh sát khu vực, sự tham gia của các phần tử cực đoan từ Malaysia và Indonesia trong các cuộc xung đột tại Iraq và Syria đã làm gia tăng mối đe dọa khủng bố tại Đông Nam Á.
Trong vòng 7 tháng qua, Malaysia đã bắt giữ 19 nghi phạm có liên quan tới nhóm khủng bố IS.
"Trong quá trình thẩm vấn, các nghi phạm thừa nhận rằng một trong số các mục tiêu chính của chúng ta tấn công chính phủ. Chúng cũng đã thảo luận các kế hoạch tấn công nhằm vào một vũ trường, các quán rượu tại Kuala Lumpur, một nhà máy của hãng bia Carlsberg tại Petaling ở ngoại ô thủ đô", ông Ayub Khan, một quan chức cấp cao từ Cơ quan chống khủng bố đặc biệt của Malaysia, cho hay.
Nhóm khủng bố Hồi giáo
Khoảng 20 người Malaysia được cho là đã tới Syria để gia nhập IS. Tuy nhiên, theo ông Ayub, con số thực tế còn cao hơn thế.
Ít nhất 1 người Malaysia, một công nhân nhà máy 26 tuổi Ahmad Tarmimi Maliki, đã thiệt mạng khi tham gia một vụ đánh bom liều chết ở Iraq hồi tháng 5.
Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, hồi tuần trước đã nghiêm cấm sự ủng hộ đối với IS và khuyến cáo các công dân nước này không gia nhập tổ chức khủng bố.
Cảnh sát trưởng quốc gia Indonesia Ronny Sompie cho hay lực lượng chống khủng bố của Indonesia - Den88 - đã bắt giữ một người đàn ông tên là Afif Abdul Majid hôm 9/8 vì tuyên bố ủng hộ IS và vì hỗ trợ tài chính cho một trại huấn luyện khủng bố ở tỉnh Aceh hồi năm 2010.
Abu Bakar Bashir, thủ lĩnh của tổ chức khủng bố Jemaah Islamiyah của Indoneisa - thủ phạm gây ra vụ đánh bom tại Bali hồi năm 2002, làm 202 người thiệt mạng, có liên hệ với al-Qaeda và hiện đang bị ngồi tù, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với IS.
Ít nhất 56 người Indonesia đã trở thành các tay súng của IS tại Syria và Iraq, và ít nhất 3 người trong số đó đã thiệt mạng. Chúng có thể mang theo các kỹ năng chiến đấu và các mối liên hệ với khủng bố toàn cầu khi trở về nước, chuyên gia chống khủng bố Indonesia Noor Huda Ismail nhận định.
Các tân binh của IS bao gồm cả các phiến quân có kinh nghiệm và những người Hồi giáo mới có tư tưởng cực đoan, bị hấp dẫn bởi đà tiến nhanh chóng của IS tại Trung Đông.
Các nhóm tay súng chủ chốt của IS đã tích lũy các kỹ năng thông qua việc chống lại các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Mỹ khi nước này chiếm đóng Iraq. IS đã sử dụng các cuộc đột kích và đòi tiền chuộc để tích lũy vũ khí và tiền.
"IS giàu hơn nhiều và cũng được trang bị vũ khí tốt hơn al-Qaeda nhờ chiếm các ngân hàng và các vũ khí ở những nơi chúng chiếm đóng. IS có thể chi trả cho mỗi tay súng tham gia nhóm này 250 USD mỗi tháng", chuyên gia chống khủng bố Huda cho hay.
"Ngoài Malaysia và Indonesia, cũng có các đợt tuyển tân binh từ Philippines để tới Syria", ông Huda nói thêm.
Yên Yên (Theo South China Morning Post)