(Tinmoi.vn) Hôm nay (1/7), liên minh các đảng cầm quyền Nhật Bản đã thông qua đề nghị của chính phủ, cho phép bãi bỏ lệnh cấm quân đội chiến đấu ở nước ngoài kể từ cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II. Đây là một sự kiện nổi bật trong chính sách hòa bình sau chiến tranh và là một chiến thắng chính trị của Thủ tướng Shinzo Abe.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe muốn giải thích lại bản Hiến pháp hòa bình. Ảnh: AFP/Getty Images
Trong cuộc họp sáng ngày 1/7, Đảng Dân chủ Tự do và đối tác trong liên minh là Đảng Công minh Mới đã đạt được thỏa thuận cho phép chính phủ bãi bỏ lệnh cấm quân đội chiến đấu ở nước ngoài kể từ cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II.
Theo bản dự thảo giải pháp do chính phủ chuẩn bị để nội các thông qua được mong sẽ công bố trong ngày hôm nay, Nhật Bản sẽ được phép thực thi quyền phòng vệ tập thể, nếu "sự tồn tại của nước này bị đe dọa và xuất hiện những nguy cơ rõ ràng đe dọa tới quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc của người dân."
Thay đổi này sẽ mở rộng các lựa chọn quân sự của Nhật Bản một cách đáng kể bằng việc chấm dứt luật cấm tập trận “phòng vệ tập thể”, hay viện trợ cho một nước đồng minh khỏi bị tấn công. Nó cũng sẽ nới lỏng những hạn chế của các tổ chức giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và các sự kiện “vùng xám” (ám chỉ cuộc tấn công quân sự có hệ thống, có sự ủng hộ của một nhà nước, nhưng không phải trên quy mô toàn diện –PV) đến những sự cố bất ngờ của một cuộc chiến tranh toàn diện.
Sự kiện này có thể sẽ chọc tức thêm Trung Quốc, do mối quan hệ đóng băng giữa hai nước vì những vấn đề trên biển, sự hồ nghi lẫn nhau và lịch sử quân đội Nhật trong quá khứ. Nhưng, sẽ được hoan nghênh bởi Washington, từ lâu đã luôn hối thúc Nhật trở thành đối tác ngang sức hơn trong mối quan hệ đồng minh.
Bị bó buộc lâu dài bởi hiến pháp hòa bình sau chiến tranh, quân đội Nhật sẽ xích lại gần hơn với lực lượng vũ trang của các quốc gia tiên tiến khác trong trường hợp phải hành động.
Ông Abe đã theo đuổi thay đổi về chính sách quốc phòng từ 18 tháng trước dù có nhiều sự e ngại trong dư luận và ngay cả trong nội bộ khối liên minh cầm quyền rằng Nhật Bản sẽ bị dính vào một cuộc chiến tranh ngoại quốc và Điều 9 phản đối chiến tranh trong Hiến pháp sẽ bị mất tác dụng.
Chi MK (Theo Reuters)