Trong tuần tới, sẽ diễn ra cuộc trưng cầu dân ý tại Anh cho quyết định Anh có nên ở lại EU hay không. Nếu người dân Anh chọn giải pháp ra đi, một loạt các yếu tố sẽ bị ảnh hưởng. Trong số đó, số phận của đồng bảng Anh sẽ "yếu ớt" hơn bao giờ hết.
Kền kền Goerge Soros
Cả thế giới nói chung và giới đầu cơ tài chính nói riêng, có lẽ không ai không nhớ đến "tổ phụ" của ngành "đầu cơ tài chính" Goerge Soros với chiến tích lừng lẫy nhất "đánh sập ngân hàng TW Anh (BOE) năm 1992".
"Kền Kền Tài Chính" George Soros. Ảnh: World Economic |
Vào ngày 16/9/1992, George Soros đột nhiên trở nên nổi tiếng khi bán khống lượng bảng Anh có giá trị tương đương trên 10 tỷ USD, và kiếm lợi từ việc BOE do dự lựa chọn hoặc nâng lãi suất nội tệ lên ngang bằng với lãi suất tại các nền kinh tế khác trong Tổ chức sử dụng chung cơ chế tỷ giá châu Âu, hoặc thả nổi đồng nội tệ.
Cuối cùng, BOE buộc phải rút đồng bảng Anh ra khỏi cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu và phá giá đồng bảng. George Soros kiếm được khoảng 1,1 tỷ USD trong phi vụ này và được biết đến với biệt danh "kẻ đánh sập Ngân hàng trung ương Anh". Những người thân cận của George Soros có lần tiết lộ, khi thấy những điểm yếu của đồng bảng trong thời điểm đó, George Soros đã hối thúc những người dưới quyền tận dụng lợi thế của mình chuẩn bị cho cuộc "tấn công" vào đồng tiền này.
Nước Anh trong thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 có thặng dư cán cân vãng lai. Song nếu trừ đi các khoản thu nhập từ xuất khẩu dầu lửa, thì thực ra Anh lại bị thâm hụt tài khoản vãng lai nghiêm trọng.
Cộng đồng châu Âu (EC) thời gian đó đang hướng tới một đồng tiền chung của khối, nên các đồng tiền quốc gia thành viên được ràng buộc vào nhau trong khuôn khổ Cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu. Không đồng tiền quốc gia nào được phép tăng giá hay mất giá quá 2,25% với các đồng tiền quốc gia khác.
Cuối năm 1990, nước Đức thống nhất. Chính quyền Tây Đức cũ quyết định đầu tư ồ ạt vào Đông Đức khiến cho lãi suất trái phiếu châu Âu tăng lên. Điều này lại khiến cho các đồng tiền quốc gia châu Âu, trong đó có bảng Anh, lên giá so với các đồng tiền ngoài khối như dollar Mỹ, yên Nhật, v.v...
Bảng Anh lên giá có nghĩa là xuất khẩu của Anh chịu ảnh hưởng tiêu cực trong khi nhập khẩu được khuyến khích. Tài khoản vãng lai của Anh đã thâm hụt lại gặp thêm áp lực thâm hụt nữa. Các nhà đầu cơ vĩ mô dự đoán rằng Anh sẽ không chịu nổi tình trạng này và sớm muộn gì cũng phải phá giá tiền tệ.
Khi đó, Soros đã quyết định tiền hành và vận động bạn bè của mình trong ngành tài chính vay tối đa lượng Bảng Anh có thể nhưng phải quy đổi ra giá trị của đồng Lia của Italia ngay lập tức.
Đầu tháng 9 năm 1992, giới đầu cơ mà cầm đầu là Goerge Soros nhanh chóng tiến hành bán và bán khống bảng Anh ra khi nó còn có giá. Hành động đầu cơ ồ ạt này khiến bảng Anh mất giá cực nhanh. Ngày 15 tháng 9, Bảng Anh mất giá quá 2,25%.
Chính phủ Anh đã tung dự trữ ngoại hối nhà nước của mình ra để chống lại. Song hậu quả chỉ là mất dự trữ ngoại tệ chứ không ngăn được sự mất giá của bảng Anh. Ngân hàng Anh tăng lãi suất chiết khấu từ 10% lên 12% rồi 15% cũng không ngăn cản được. Chính phủ Anh đã bất lực cũng đồng nghĩa với việc bảng Anh không còn có thể ở lại Cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu. Cuối ngày 16 tháng 9, Anh chính thức tuyên bố rút lui khỏi cơ chế này.
Hậu quả là đồng Bảng Anh tụt giá thê thảm so với đồng Lia của Ý. Với số lượng Lia cũ, giờ đây có thể đổi sang được nhiều hơn số lượng Bảng Anh mà các nhà đầu tư đã vay trước đó đã vay. Và khi họ thanh toán cho ngân hàng Anh lượng bảng Anh đã vay, số còn lại họ thu được chính là thành quả của lần đầu cơ tài chính đó.
Soros và các cộng sự đã từng tấn công vào Bảng Anh, Yen Nhật và Baht Thái từ đó ông có biệt danh "Kền Kền tài chính".
Cơ hội kéo sập ngân hàng Anh lần thứ 2
Nếu Anh quyết định rời EU, nền tài chính ngân hàng của nước này ngay sau đó sẽ có "sức đề kháng" yếu nhất. Chắc chắn giới đầu cơ tài chính thế giới khó có thể bỏ qua cơ hội này để tổng tấn công vào đồng Bảng Anh.
Cơ hội cho giới đầu cơ nếu Anh rời EU. Ảnh: EUK |
Giới phân tích cảnh báo hiệu ứng ban đầu là giá cổ phiếu của các ngân hàng Anh sẽ giảm mạnh. Đồng thời, cổ tức của các nhà đầu tư cũng sẽ hao hụt nghiêm trọng nếu Anh rời khỏi EU. Cuối cùng là đồng Bảng Anh sẽ mất giá.
Barclay sẽ là ngân hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc "chia ly" nếu Anh quyết định rời khỏi EU. Các chuyên gia ngân hàng, các nhà quản lý đầu tư và nhóm nghiên cứu Bernstein nói Barclays sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất ,giá trị cổ phiếu sẽ giảm 40 % trong 18 tháng sau đó . Các ngân hàng lớn nhất London, các ngân hàng đầu tư có thể sẽ bị " bể " về Doanh thu.
Giá cổ phiếu của hai ngân hàng bảo lãnh là Ngân hàng Lloyds và Royal Bank of Scotland - có thể sụt giảm 35 % và 25 % tương ứng, theo nghiên cứu của các nhà phân tích. Bernstein dự đoán giá nhà đất sẽ tăng chóng mặt, tỷ lệ thất nghiệp cũng sẽ tăng cao, và đồng bảng Anh sẽ bị mất giá trầm trọng một khi Anh quyết tâm rời EU.
Các nhà phân tích của Bernstein không mong đợi các ngân hàng phải bắt tay vào cuộc đua thu gom tiền mặt như cách họ đã làm sau năm 2008. Đề cập đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra bởi sự sụp đổ của ngân hàng năm 2008, các nhà phân tích của Bernstein cho biết: "Các ngân hàng Anh ngày nay giữ lượng tiền mặt cao nhất trong lịch sử của họ - qua đó đảm bảo khả năng đối phó với các rủi do có thể có nếu xảy ra Brexit".
Các ngân hàng lớn còn lại như HSBC dự kiến sẽ chuyển 15 -20% cổ phần hiện tại ở Anh sang các chi nhanh ở Pháp nếu Anh rời EU. Ngân hàng Standard Chartered thì cho rằng họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi Brexit vì mặc dù họ niêm yết tại London, nhưng các hoạt động của họ lại chủ yêu nằm tại các nước ngoài.
Chỉ số chứng khoán toàn cầu FTSE của 100 ngân hàng lớn nhất Anh quốc đã giảm 36% trong thời gian qua sau khi các thông tin về việc Anh muốn rời khỏi EU ngày cang được ủng hộ.
Các nhà phân tích của Bernstein cho rằng , trong ngắn hạn , đồng bảng Anh sẽ giảm 15 % đến 20 % và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên.
Có lẽ giới đầu cơ chỉ cần đợi có thế. Nếu chiến dịch Brexit của Anh thành công vào tuần tới, chiến dịch của các "kền kền tài chính" sẽ chính thức bắt đầu. Đây sẽ là đợt sóng dữ đầu tiên mà Anh phải đối mặt khi tách khỏi con thuyền chung EU.
Hiện không rõ quỹ đầu tư Quantum của Soros có toan tính gì cho sự kiện lần này không. Nhưng kể cả khi Soros có không "nhúng tay" vào nữa, mọi chuyện sẽ không vì thế mà bớt rắc rối với hệ thống tài chính ngân hàng Anh do một loạt các "kền kền con" đã được sinh ra từ cảm hứng và học hỏi những gì Soros làm được trong quá khứ.
Quý Vũ (Tổng hợp)