Ngải cứu là cây thân cỏ, cây trưởng thành có thể cao từ 0.4 - 1m, thuộc họ cúc. Cây có khả năng sống lâu năm, mọc dại nên nhiều nơi coi là cỏ dại cần diệt trừ. Lá cây màu xanh, mặt dưới có một lớp lông nhung trắng, mọc so le. Cây có mùi thơm đặc trưng, lá có tinh dầu.
Theo lương y Nguyễn Thanh Thúy, ngải cứu còn được gọi là ngải diệp, ngải nhung... Ngải cứu được dùng làm rau ăn, gia vị chế biến một số món ăn rất thơm ngon, tăng mùi thơm và tốt cho tiêu hoá.
Đặc biệt, trong Đông y, ngải cứu còn được biết đến là một vị thuốc, có vị đắng, cay, tính ấm, vào kinh tỳ, can, thận, có tác dụng ôn bào cung, cầm máu, an thai, khứ hàn, giảm đau…
Vị chuyên gia Đông y này cho biết thêm, các thầy thuốc thường sử dụng ngải cứu trong những trường hợp đau thần kinh, đau cơ, xương khớp, đau bụng kinh…
Với những người bị đau vai gáy, đau thắt lưng, hông, đau chân tay, đau bụng kinh… đem ngải cứu sao nóng, thêm một chút muối hạt và bọc vào một miếng vải rồi chườm lên vùng bị đau. Hoặc cũng có thể đem ngải cứu tán bột cho vào túi vải sấy nóng chườm lên những vùng bị đau giúp giảm đau rất hiệu quả.
Dưới đây là những bài thuốc chữa bệnh cực hay từ cây ngải cứu được lương y Nguyễn Thanh Thúy hướng dẫn sử dụng:
1. Bài thuốc chữa cảm cúm từ ngải cứu
- Ngải cứu 100 g
- Tía tô 100g
- Lá sả 50g
- Gừng tươi 5 lát mỏng
- Cho tất cả các nguyên liệu vào nồi, thêm khoảng 1 lít nước, đun sôi kỹ cho đến khi còn khoảng 500 ml nước. Chia uống 3 lần/ ngày. Uống thuốc lúc ấm và kiên trì uống liên tục trong 3-5 ngày để đem lại hiệu quả tốt nhất.
2. Bài thuốc chữa đau bụng kinh từ ngải cứu
Với tính ấm, ngài cứu còn được dùng làm bài thuốc hữu hiệu trong việc hỗ trợ làm giảm đau bụng kinh, đau lưng. Chúng cũng là bài thuốc giúp hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt đối với những người có kỳ nguyệt san không đều.
- Ngải cứu 50g
- Hương phụ chế 15g
- Cỏ ngọt 8gÍch mẫu 15g
- Gừng tươi 3 lát mỏng
- Cho tất cả các nguyên liệu vào đun với 1 lít nước, đun sôi kỹ còn 500 ml, chia uống 3 lần/ngày, uống ấm, uống liên tục 10 ngày trước khi đến chu kỳ, uống kiên trì cho đến khi khỏi dứt điểm.
3. Bài thuốc từ ngải cứu sao đen chữa động thai ra máu
Trong dân gian, ngải cứu là bài thuốc hữu hiệu hỗ trợ điều trị những trường hợp phụ nữ mang thai dọa sảy, giúp an thai hiệu quả. Đây cũng là bài thuốc áp dụng cho những phụ nữ mắc chứng tử cung lạnh, khó mang thai.
- Ngải cứu (hắc ngải) 10g
- Củ gai (trữ ma căn) 20g
- Đỗ trọng 10g
- Hạn liên thảo 10g
- Huyết dụ 15g
- Cam thảo 8g
- Sắc mỗi ngày một thang, đun sôi kỹ với 1 lít nước, còn 500 ml nước, chia uống 3 lần/ngày, uống liên tục cho đến khi hết đau bụng, hết ra máu.
4. Bài thuốc chữa bốc hoả phụ nữ tiền mãn kinh
- Ngải cứu 12g
- Xuyên khung 10g
- Đương quy 10g
- Thục địa (cửu chưng) 20g
- Xích thược chế 10g
- Bạch thược 10g
- Ngưu tất 12g
- Hồng hoa 8g
- Hương phụ chế 10g
- Đào nhân 10g
- Sắc uống mỗi ngày một thang, đun sôi kỹ với 1 lít nước, còn 500 ml nước, chia uống 3 lần/ngày, uống kiên trì cho đến khi khỏi dứt điểm.
5. Chữa chứng suy nhược cơ thể
Ngải cứu trong dân gian được biết đến là một bài thuốc bổ vô cùng hữu hiệu. Lá của cây kết hợp với hạt sen, táo đỏ, dùng để hầm gà ác là món ăn đại bổ giúp khai thông khí huyết, trị chứng chán ăn, suy nhược cơ thể ở những người mới ốm dậy, bệnh lâu ngày.
Một số lưu ý khi sử dụng ngải cứu
Ngải cứu được biết đến là có rất nhiều tác dụng bồi bổ sức khỏe và chữa bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng trong đời sống hàng ngày cũng như sử dụng làm thuốc cần thận trọng. Nếu sử dụng quá nhiều ngải cứu có thể dẫn tới ngộ độc. Hoặc nếu sử dụng không đúng cách có thể gây phản tác dụng. Vì thế, việc sử dụng ngải cứu cần lưu ý những điều sau đây:
Không nên dùng quá nhiều ngải cứu, mỗi lần chỉ nên ăn tối đa 5 ngọn, mỗi tuần không nên ăn quá 3 lần.
Người mang thai hoặc từng sảy thai, sinh non, không nên ăn.
Phụ nữ cho con bú cũng không nên sử dụng ngải cứu hàng ngày.
Không dùng ngải cứu làm thuốc kết hợp với các loại thuốc chữa trầm cảm, tiểu đường, chống đông máu, ung thư, kháng khuẩn,… sẽ gây tương tác và phản tác dụng của thuốc.
Cần hết sức thận trọng khi dùng ngải cứu với những người có cơ địa mẫn cảm với thảo dược. Không dùng ngải cứu dài ngày, quá 4 tuần.