Nhà báo - MC Lại Văn Sâm là gương mặt được nhiều người khi biết đến khi dẫn nhiều chương trình truyền hình như Ai Là Triệu Phú,Chiếc nón kỳ diệu, Hãy chọn giá đúng, Chúng tôi là chiến sĩ,...
Vốn là người kín tiếng nên nhiều người khá tò mò về đời từ của anh. Trong chương trình Ký Ức Vui Vẻ tập 11 vừa được hé lộ, nam nhà báo lần đầu giới thiệu về hành trình lập nghiệp của mình. Trong dòng hồi tưởng của mình, Lại Văn Sâm chia sẻ về thời gian học tập tại Liên Xô.
"Năm 1987, tôi đến thử việc ở phòng Thể thao. Anh Vũ Huy Hùng khi đó là người trực tiếp tuyển dụng tôi. Tôi nhớ khi đó, anh ấy giao cho tôi công việc tổng hợp bóng đá tuần từ bản tin bên Nga. Tôi dịch xong, anh ấy nói có mấy chỗ không ổn. Chúng tôi tranh luận một chập xong, anh ấy nói: "Cái này cậu phải sửa! Văn này Tây quá". Thế là tôi phải chỉnh sửa lại, không còn là dịch nữa", MC Lại Văn Sâm nhớ lại.
MC Lại Văn Sâm trong "Kí ức vui vẻ". Ảnh internet
Đến hết năm 1987, Lại Văn Sâm quyết định nghỉ việc về làm thuê cho bà mẹ vợ bán hàng. "Hồi ấy nhà mẹ vợ tôi có một cửa hàng ở số 74 chợ Đồng Xuân. Tôi đến đó dịch cho bà ấy lời của khách nước ngoài, ai vào cũng dịch, nói giá cả nọ kia", Lại Văn Sâm kể.
MC Lại Văn Sâm vui vẻ kể lại thời điểm được mẹ vợ nuôi: "Mẹ vợ nuôi tôi đến năm 1988".
Đến năm 1988, Lại Văn Sâm được mời trở lại để bình luận cho giải bóng đá Euro năm ấy và chỉ sau 1 năm, anh chính thức được nhận biên chế của VTV và là người đầu tiên mang các trò chơi truyền hình đến với khán giả Việt.
Theo chia sẻ của Lại Văn Sâm, thời đó, anh vẫn còn nghèo và đạp xe đạp đi làm. Có lần đang đi trên đường Trần Phú thì có người đi xe máy qua nhìn thấy còn sỉ nhục rằng: "Tưởng VKT chúng mày thế nào, hóa ra thế này".
Giải thích về VTK - Chương trình Văn hóa, khoa học (từ năm 1989 đến năm 1995), MC Lại Văn Sâm nói: "Hồi đó, chúng tôi còn phải nói đùa, VKT là "ví không tiền", vì "ví không tiền" nên "vợ không thích", vì "vợ không thích" nên "vẫn cứ làm".
Nhờ sự cố gắng, anh đã được vào biên chế rồi cuối năm 1989, anh được cử sang đài truyền hình Liên Xô cùng với đoàn và được làm chân dịch cho mọi người sang học.Năm 1995, Lại Văn Sâm tiếp tục được cử sang Pháp để đem một chương trình trò chơi truyền hình đến Việt Nam dù lúc đó đang ốm.
Từ đó, chương trình Trò chơi liên tỉnh đã ra đời.