(Tinmoi.vn) George Friedman, người sáng lập công ty tình báo Stratfor và là tác giả cuốn sách nổi tiếng Thập kỷ tới, trong bài báo “Putin có giữ được ghế?” đưa ra nhận định: Vụ tai nạn máy bay MH 17, cũng giống như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 góp phần làm Tổng bí thư Liên Xô Khrushchev mất chức, có thể khiến Putin bị hạ bệ bởi chính những người thân tín.
Quan điểm phổ biến ở Phương Tây cho rằng Vladimir Putin lãnh đạo nước Nga theo kiểu độc đoán bằng cách đánh bại và đe dọa những đối thủ của mình và đặt những mối nguy hiểm lớn lên các quốc gia lân cận. Quan điểm này có lý riêng, nhưng có lẽ nó nên được đánh giá lại khi đặt vào hoàn cảnh của một số sự kiện diễn ra gần đây.
Ukraine – mấu chốt xoay chuyển suy thoái cho Nga
Đương nhiên là nên bắt đầu ở Ukraine. Quốc gia này là nơi kết nối Nga tới phương Tây với vai trò con đường đưa năng lượng tới châu Âu- nền tảng kinh tế của Nga. Ngày 1/1, tổng thống lúc đó còn là Viktor Yanukovich được coi là thân Nga. Tuy nhiên với tình hình xã hội và chính trị phức tạp tại Ukraine, thật khó có thể cho rằng Ukraine chỉ là một con rối của Nga khi Yanukovich lãnh đạo. Nhưng điều chắc chắn có thể khẳng định là dưới quyền Yanukovich và những người ủng hộ, lợi ích căn bản của Nga tại Ukraine được đảm bảo.
Điều này rất quan trọng với Putin. Lý do của việc Putin thế chỗ Boris Yeltsin năm 2000 là vì năng lực của Yeltsin trong thời gian chiến tranh tại Kosovo. Nga liên minh với Serbia và không hề muốn NATO can thiệp bằng một cuộc chiến chống Serbia. Mong muốn của Nga đã bị từ chối. Ý kiến của Nga chỉ đơn giản là không quan trọng với phương Tây. Khi cuộc không kích thất bại trong việc khiến Belgrade đầu hàng, người Nga đã đàm phán đưa đến giải pháp đồng ý đưa các toán quân Mỹ và NATO tham gia điều hành Kosovo. Trong một phần của thỏa thuận, quân đội Nga được hứa hẹn trong việc góp phần gìn giữ hòa bình tại Kosovo nhưng người Nga đã không bao giờ được tham gia việc này, và Yeltsin đã hoàn toàn bất lực với sự xúc phạm đó.
Putin thay thế Yeltsin cũng vì tình trạng thảm hại của nền kinh tế Nga. Tuy rằng Nga luôn luôn yếu kém, đã có những cái nhìn cho rằng điều đó sẽ được bù lại bằng các vấn đề ngoại giao. Tuy nhiên, dưới thời Yeltsin, Nga thậm chí trở nên yếu kém hơn và bị khinh thường trong quan hệ quốc tế. Putin đã phải đối phó với cả hai. Ông mất một thời gian dài trước khi có thể vực dậy sức mạnh của Nga, mặc dù ông đã nói trước đó rằng sự sụp đổ của Liên Xô là thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỉ 20. Điều này không có nghĩa là ông muốn hồi phục lại Liên Xô trong hình thái thất bại của nó, mà đúng hơn là ông muốn quyền lực của Nga được coi trọng một lần nữa, và ông muốn bảo vệ và nâng cao lợi ích quốc gia của Nga.
Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 đã góp phần khiến Khrushchev bị hạ bệ 2 năm sau đó.
Giọt nước tràn ly là cuộc cách mạng Cam tại Ukraine năm 2004. Yanukovich được bầu làm tổng thống trong hoàn cảnh không rõ ràng, và những người biểu tình đòi hỏi ông tham gia cuộc bầu cử thứ hai. Ông thất bại, và một chính phủ thân phương Tây lên nắm quyền. Vào thời điểm đó, Putin đã cáo buộc CIA và các cơ quan tình báo phương Tây khác đã tổ chức các cuộc biểu tình. Một cách công khai, đây là lúc mà Putin có niềm tin hoàn toàn về việc phương Tây có ý định phá hoại Liên bang Nga giống như Liên Xô, đối với ông, sự quan trọng của Ukraine với Nga là hiển nhiên. Do đó ông tin rằng CIA đã tổ chức các cuộc biểu tình để đặt Nga vào nguy hiểm, và lý do duy nhất cho việc này là mong muốn làm tê liệt và phá hủy Nga. Sau vụ việc Kosovo, ông Putin công khai từ ngờ vực chuyển sang thù địch với phương Tây.
Người Nga làm việc trong suốt 2004-2010 để đảo ngược cách mạng Cam. Họ làm việc để xây dựng lại quân đội Nga, tập trung bộ máy tình báo và sử dụng bất kì ảnh hưởng kinh tế nào trong tay để xây dựng lại mối quan hệ với Ukraine. Nếu họ không thể điều khiển, họ không muốn Ukraine được điều khiển bởi Mỹ hay châu Âu. Đây không phải là mối quan tâm quốc tế duy nhất nhưng lại là mấu chốt.
Cuộc tiến quân của Nga tại Georgia liên quan nhiều tới Ukraine hơn là cả vùng Caucasus. Vào thời điểm đó, Mỹ vẫn đang sa lầy trong chiến tranh tại Iraq và Afghanistan. Trong khi Washington không có thỏa hiệp chính thức nào với Georgia, nhưng hai phía có mối quan hệ chặt chẽ và bảo đảm tuyệt đối. Cuộc tiến quân vào Georgia có hai lý do, đầu tiên là để cho khu vực thấy rằng quân đội Nga vốn hỗn độn trong năm 2000 giờ đã có khả năng hành động dứt khoát trong 2008. Thứ hai là để chứng minh, đặc biệt là cho Kiev thấy các quan hệ được bảo đảm với Mỹ dù ngầm hoặc rõ ràng đều không có giá trị. Năm 2010, Yanukovich được bầu làm tổng thống Ukraine, đảo chiều cách mạng Cam và hạn chế ảnh hưởng của phương Tây trong cả nước.
Nhận ra sự rạn nứt đang phát triển với Nga và xu hướng chống Hoa Kỳ trong khu vực, chính quyền Obama đã cố gắng tái tạo mối quan hệ theo kiểu cũ khi Hillary Clinton đưa ra nút “khởi động lại” trong năm 2009. Nhưng Washington muốn khôi phục lại quan hệ ở thời điểm mà Putin nhắc đến như là “những ngày cũ tồi tệ”, còn Putin không quan tâm đến việc bắt đầu lại. Thay vào đó ông nhìn Mỹ với một tư thế phòng thủ và có ý định khai thác lợi thế của mình.
Một trong những nơi ông đã làm như vậy là ở châu Âu, bằng sự phụ thuộc năng lượng của phía đông châu Âu với Nga, đặc biệt là Đức. Nhưng đỉnh cao là ở vấn đề Syria, khi chính quyền Obama đe dọa không kích sau khi Damascus sử dụng vũ khí hóa học chỉ để tránh khỏi nguy hiểm. Người Nga phản đối mạnh mẽ hành động của Obama và đề xuất một quá trình đàm phán thay thế. Người Nga nổi lên từ cuộc khủng hoảng một cách quyết đoán và đầy năng lực trong khi Mỹ do dự và yếu ớt. Năng lượng của Nga tăng giá trị và mặc dù nền kinh tế suy yếu điều này đã tăng vị thế của Putin.
Thiên Trang (theo Stratfor)