Giả thuyết mới nhất về sự mất tích bí ẩn của MH370 mà một nhóm giáo sư toán học Mỹ đưa ra là chiếc máy bay đã rơi thẳng đứng, lao đầu xuống nước, khiến phần thân vẫn nguyên vẹn nên không mảnh vỡ hay vết dầu loang nào được phát hiện.
Tin tức trên Sputnik News ngày 9/6 cho biết, Tiến sĩ Goong Chen, nhà toán học ứng dụng tại trường Đại học Texas A&M (Mỹ) là trưởng nhóm tìm kiếm gồm nhiều chuyên gia của nhiều viện nghiên cứu thuộc các trường đại học nổi tiếng của Mỹ và Viện nghiên cứu Năng lượng và Môi trường Qatar (QEERI).
Thông qua tính toán và các thử nghiệm bằng máy tính, nhóm chuyên gia này cho rằng chiếc máy bay đã rơi thẳng đứng, đâm thẳng xuống nước và phần thân đã không bị vỡ ra.
Đây là giả thuyết hợp lý bởi sau hơn một năm tìm kiếm, các lực lượng cứu hộ không tìm thấy bất kỳ một mảnh vỡ hay vết dầu loang trên mặt nước tại vùng biển phía nam Ấn Độ Dương, nơi chiếc máy bay xấu số MH370 được cho là đã rơi xuống.
Giả thuyết mới về sự mất tích bí ẩn của MH370 cho rằng máy bay đã rơi thẳng đứng xuống Ấn Độ Dương. |
Theo Sputnik, để đi đến nhận định trên, nhóm chuyên gia đã giả định 5 tình huống rơi máy bay, bao gồm tình huống tương tự vụ phi công một chiếc máy bay của hãng US Airway hạ cánh an toàn xuống giữa dòng sông Hudson ở thành phố New York hồi năm 2009 sau khi cả 2 động cơ bị hỏng trên không.
Nhóm chuyên gia đã đưa ra 5 tình huống giả lập và kết luận rằng, lời giải thích tốt nhất cho việc MH370 mất tích không để lại dấu vết chính là chiếc máy bay 300 tấn này đã rơi theo phương thẳng đứng xuống mặt biển. Do đó, phần thân có thể vẫn còn nguyên trước khi chìm xuống đáy biển.
Với giả thiết này, các nhà khoa học đã tính ra được rằng, chiếc máy bay này đã tạo một góc 93 độ khi rơi xuống mặt nước biển. Họ cũng tính được rằng, dòng chảy của Ấn Độ Dương lúc đó có vận tốc khoảng 2m/giây.
Nhóm chuyên gia cho biết qua tính toán, rơi thẳng đứng là hướng rơi xuống nước êm nhất. |
Báo cáo của các nhà khoa học chỉ rõ: “Ngay khi máy bay chạm xuống nước, dòng chảy của Ấn Độ Dương sẽ dần đẩy chiếc máy bay này trôi xuống theo hướng 5 giờ và khiến nó chổng lên thẳng đứng khi chạm đáy đại dương”.
“Ngay khi rơi xuống nước, phần cánh và đuôi máy bay sẽ bị tách rời khỏi phần thân máy bay và phần thân sẽ rơi xuống độ sâu khoảng 30-40m chỉ trong vòng vài giây rồi chìm hẳn xuống đáy biển", báo cáo cho biết thêm.
Ngoài ra, Tiến sĩ Chen còn nhận định rằng trong trường hợp này, phần cánh của chiếc phi cơ MH370 đã gãy lìa khỏi phần thân ngay khi máy bay rơi xuống biển. Tuy nhiên, nó có thể đã chìm cùng với những mảnh vỡ khác có khối lượng lớn, khiến đội cứu hộ không tìm thấy.
“Chiếc máy bay này có thể bị chìm nghỉm dưới đáy biển và không có nhiều mảnh vỡ nổi lên trên mặt nước. Điều này lý giải tại sao cho đến nay chúng ta chưa tìm được mảnh vỡ nào của MH370”, ông Jason Middleton, Giáo sư Hàng không tại Đại học New South Wales, Australia nhận định.
Chiếc Boeing 777 chở 239 hành khách và phi hành đoàn đã mất tích bí ẩn khi đang trong hành trình từ Kuala Lumpur (Malaysia) tới Bắc Kinh. |
Chiếc Boeing 777 chở 239 hành khách và phi hành đoàn đã mất tích bí ẩn khi đang trong hành trình từ Kuala Lumpur (Malaysia) tới Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 8/3 năm ngoái. Chỉ khoảng một giờ sau khi cất cánh, chiếc máy bay đã biến mất khỏi radar, khả năng lớn nhất có thể xảy ra là rơi xuống Ấn Độ Dương.
Sputnik News nhận định, phát hiện kể trên là lời giải thích tốt nhất cho việc vì sao cuộc tìm kiếm quốc tế trên một quy mô rộng lớn ở nam Ấn Độ Dương với nhiều thiết bị hỗ trợ trong hơn một năm vẫn không đem lại kết quả gì.
Dù đã đưa ra một cách lý giải khá hợp lý, nhóm các nhà khoa học này thừa nhận, bí ẩn về MH370 sẽ chỉ được giải đáp khi mà hộp đen của chiếc máy bay này được tìm thấy và giải mã đầy đủ.
Yên Yên (Sputnik News)