(Tinmoi.vn) Từ ngày 25/7, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ bắt đầu cuộc tập trận kéo dài một tuần tại Thái Bình Dương nhằm tăng cường hợp tác hải quân giữa ba nước giữa, đồng thời "răn đe" các động thái bành trướng trên Biển Đông và Hoa Đông của Trung Quốc.
Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ sẽ bắt đầu cuộc tập trận chung hằng năm Malabar ở Thái Bình Dương vào hôm nay với sự tham gia của khách mời đặc biệt Nhật Bản.
AFP đưa tin, sau buổi lễ khai mạc tại căn cứ hải quân Sasebo ở miền Nam Nhật Bản hôm 24/7, tàu chiến của ba quốc gia bắt đầu "vào cuộc".
Được biết với tên gọi Tập trận Malabar, sự kiện thường niên này có sự tham gia của Ấn Độ và Mỹ, nhưng Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) sẽ tham gia cuộc tập trận năm nay. Tập trận Malabar lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2007.
Cuộc tập trận chung hằng năm Malabar ở Thái Bình Dương năm nay có sự tham gia của khách mời đặc biệt Nhật Bản
Mỹ huy động lực lượng cực kỳ hùng hậu cho cuộc tập trận kéo dài 1 tuần với 7.000 binh sĩ, tàu sân bay USS George Washington, 2 tàu khu trục USS Shiloh và John S McCain, tàu ngầm hạt nhân USS Columbus, máy bay P-3 OrionBSE và trực thăng MH-60R.
Ấn Độ cử 3 chiến hạm vừa trở về từ cuộc tập trận với Nga ở Vladivostok - bao gồm INS Ranvijay, Shivalik và tàu tiếp liệu INS Shakti - cùng 700-800 binh sĩ.
Trong khi đó, Nhật điều hàng trăm binh sĩ cùng 2 tàu hộ tống, máy bay tìm kiếm - cứu hộ US-2 và máy bay tuần tra P3C.
Cuộc tập trận bao gồm các bài diễn tập chống hải tặc, chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo và diễn tập trực thăng.
AFP dẫn lời phát ngôn viên MSDF cho biết; “Mục đích của việc Nhật Bản tham gia cuộc tập trận này là nhằm tăng cường năng lực của MSDF và tăng cường hợp tác giữa ba nền quân sự".
Quyết định mời Nhật tham gia cuộc tập trận phản ánh sự tự tin và mạnh mẽ hơn trong Chính sách hàng hải của New Delhi
Cuộc tập trận diễn ra tại bờ biển phía Nam của Nhật Bản giữa lúc căng thẳng leo thang khi Ấn Độ và Nhật Bản đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Trung Quốc cũng có tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia Đông Nam Á liên quan đến tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh nuốt trọn gần cả Biển Đông.
Giới phân tích Ấn Độ cho rằng quyết định mời Nhật tham gia cuộc tập trận phản ánh sự tự tin và mạnh mẽ hơn trong chính sách hàng hải của New Delhi.
Báo The Wall Street Journal dẫn lời cựu quan chức hải quân Ấn Độ Uday Bhaskar, hiện là chuyên gia Hiệp hội Nghiên cứu chính sách Ấn Độ (SPS), nhận định: “Đây là sự phản ánh môi trường chiến lược mới, nơi Ấn Độ tìm cách xây dựng năng lực tập thể để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc”.
Yên Yên