Tạp chí The Diplomat cho rằng, Washington cần "kéo" các tàu sân bay trực thăng Mistral của Pháp ra khỏi thị trường để chúng không lọt vào tay Trung Quốc, nếu không cán cân quyền lực ở châu Á sẽ thay đổi.
Theo The Diplomat, Mỹ từng quan ngại sâu sắc khi biết Nga mua hai tàu sân bay trực thăng Mistral của Pháp. Bây giờ tình hình đó sẽ lặp lại, nhưng nỗi quan ngại của Washington hiện nay lại liên quan đến Bắc Kinh.
Trước đó, truyền thông Pháp đưa tin rằng nước này có thể bán cho Trung Quốc hai tàu sân bay trực thăng Mistral, vốn được đóng theo đơn đặt hàng của Nga.
Các nhà phân tích cho rằng, Washington nên "kéo" các tàu Mistral ra khỏi thị trường sao cho không lọt vào tay Bắc Kinh, bởi vì Trung Quốc đang xây dựng một hạm đội năng động và hiện đại.
"Nếu Trung Quốc vẫn mua các tàu đó, có khả năng cán cân quyền lực ở châu Á trong tương lai sẽ thay đổi", The Diplomat cho biết.
The Diplomat thừa nhận rằng, rất khó để bán được tàu sân bay trực thăng cho Trung Quốc, vì lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu về xuất khẩu vũ khí cho Trung Quốc vẫn có hiệu lực.
Tuy nhiên, The Diplomat vẫn cho rằng, khả năng Trung Quốc mua được Mistral vẫn để ngỏ. Chắc chắn đây là mối quan ngại của Mỹ — tình huống tương tự đã xảy ra vào năm 2014, khi xuất hiện khả năng Pháp bán tàu cho Mistral Nga.
Nếu hai chiến hạm lớp Mistral về tay Trung Quốc, cán cân quyền lực châu Á sẽ thay đổi. |
Tạp chí nhấn mạnh rằng các tàu sân bay trực thăng có thể được sửa đổi để thích ứng với máy bay trực thăng Ka-27, được trang bị cho Hải quân Nga. Trung Quốc có cả Ka-27 và Ka-28 hiện đại hóa và có đầy đủ điều kiện cơ sở hạ tầng cần thiết để sử dụng hiệu quả công nghệ đó. Ngoài ra, Bắc Kinh có thể bố trí nền tảng chống hạm ASW trên Mistral.
Mistral là tàu sân bay trực thăng tấn công đổ bộ. Nhiệm vụ của loại tàu này là đổ bộ của các đơn vị quân sự, đảm bảo hoạt động cho các máy bay trực thăng, là trung tâm chỉ huy hoạt động của lực lượng đa năng, kiêm tàu quân y viện.
Hôm 10/5, tờ Want China Times dẫn bài viết trên trang tin hải ngoại Duowei News của Trung Quốc cho biết, một phái đoàn hải quân Pháp hôm qua đã tới thăm thành phố Thượng Hải và dự định ở lại đây tới ngày 15/5. Nhân dịp này, Paris muốn giới thiệu và chào bán tàu đổ bộ tấn công lớp Mistral cho Bắc Kinh.
Trung Quốc hiện là thị trường tiềm năng lớn nhất của Pháp, và cho dù Bắc Kinh đã có kế hoạch tự phát triển các tàu đổ bộ tấn công, họ vẫn có thể mua hai chiến hạm của Pháp, làm mẫu cho các thiết kế trong nước, Duowei News nhận định.
Dù Trung Quốc đang có kế hoạch tự nâng cấp các tàu đổ bộ tấn công, nước này vẫn có khả năng mua lại hai chiếc Vladivostok và Sevastopol để làm mẫu sao chép.
Tuy nhiên, Sputnik News dẫn lời Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho hay Pháp không thể bán các tàu Mistral nếu không có sự cho phép của Moscow.
Ngoài Trung Quốc, Brazil, Canada, hoặc Ấn Độ, cũng là khách hàng tiềm năng để Pháp bán hai chiếc Vladivostok và Sevastopol, tên của các chiến hạm do Nga đặt hàng.
Tàu đổ bộ tấn công lớp Mistral dài 180 m, trọng tải 22.000 tấn, có thể chở 16 trực thăng, hàng chục xe bọc thép và phương tiện quân sự, cùng tối đa 700 binh sĩ.
Yên Yên (Sputnik)