Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nhận định Nga và Trung Quốc là mối đe dọa tiềm ẩn đối với trật tự thế giới.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter ngày 7/11 đã đả kích Nga, nói rằng Moscow đang gây nguy hiểm cho trật tự thế giới thông qua việc can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine và việc đàm phán lỏng lẻo về vũ khí hạt nhân. Ông Carter cũng cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đang tìm cách ngăn chặn sự gây hấn của Nga để bảo vệ cho các đồng minh Mỹ.
Nói chuyện tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan ở Thư viện Tổng thống Ronald Reagan, California, trước các chuyên gia an ninh và quan chức quốc phòng, ông Carter còn bày tỏ mối quan ngại về sự mở rộng ảnh hưởng và phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Theo ông Carter, Nga đang tiến hành "những hoạt động đầy thách thức" trên biển, trên không, trong không gian và không gian mạng.
"Đáng lo nhất, mối đe dọa hạt nhân của Moscow làm gia tăng những câu hỏi về cam kết của các lãnh đạo Nga đối với sự ổn định chiến lược, sự tôn trọng của họ đối với các quy tắc chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân và việc liệu họ có tôn trọng những lời cảnh báo nghiêm túc của các nhà lãnh đạo thời đại hạt nhân đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân hay không".
Đây có lẽ là những nhận xét gay gắt nhất của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đối với cựu thù từ thời Chiến tranh Lạnh.
"Chúng ta không tìm kiếm một cuộc chiến nóng hay lạnh với Nga, không tìm cách biến Nga thành kẻ thù. Nhưng đừng nhầm, Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích của mình, bảo vệ đồng minh của mình cũng như trật tự quốc tế theo nguyên tắc và tương lai tươi sáng mà nó mang lại cho tất cả chúng ta".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter. Ảnh: Saul Loeb |
Ý kiến của ông Carter được đưa ra ngay khi Nga bắt đầu khẳng định mình trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria và Trung Quốc cố khẳng định sự thống trị của mình ở các vùng biển lân cận.
Ông vừa trở về từ chuyến công du kéo dài 8 ngày tới châu Á, dẫn ra một số trụ cột của trật tự quốc tế mà theo ông, cần được bảo vệ và củng cố. Đó là: giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tự do từ sự ép buộc, tôn trọng chủ quyền quốc gia và tự do hàng hải.
"Một số nhân tố xuất hiện để làm xói mòn các nguyên tắc và trật tự quốc tế, điều mà lẽ ra họ phải tuân theo. Tất nhiên, các yếu tố khủng bố như IS hoàn toàn đi ngược với các giá trị của chúng ta. Nhưng các thách thức khác còn phức tạp hơn và quy mô cũng như khả năng của chúng thậm chí còn gây tổn hại nhiều hơn", ông nói.
"Tất nhiên cả Nga và Trung Quốc không thể lật đổ trật tự đó. Nhưng cả 2 nước đều thể hiện những thách thức khác nhau đối với nó".
Ông Carter cũng cáo buộc Nga đang khuấy đảo điểm nóng Trung Đông.
Sau khi can thiệp vào tình hình Ukraine, "Tại Syria, Nga lại đổ thêm dầu vào lửa, kéo dài cuộc nội chiến cực đoan".
Ông Carter nói rằng Nga là mối đe dọa an ninh hàng đầu mà Washington quan ngại.
Tổng thống Vladimir Putin đang thách thức Mỹ ở các khu vực khác chứ không riêng Syria. Năm ngoái, Nga cho biết họ đã mở lại 10 căn cứ quân sự thời Liên Xô dọc bờ biển Bắc Cực. Những nơi này đã bị đóng lại sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1991. Nga cũng đang bay tuần tra xa hơn ở bờ biển nước Mỹ.
Ông Carter cũng mở ra khả năng vai trò của Nga tại Syria có thể phát triển thành một cơ hội cho Mỹ. "Có thể, chúng ta sẽ thấy, Nga có thể đóng vai trò xây dựng trong việc giải quyết cuộc nội chiến".
Về Trung Quốc, ông Carter cho rằng đây là nước có ảnh hưởng nhất đối với tương lai của châu Á và lưu ý rằng đầu tuần này, ông đã có mặt trên một con tàu đi vào Biển Đông để chứng minh cam kết thực thi tự do hàng hải của Mỹ.
Theo Reuters, ông Carter cam kết sẽ vẫn tiếp tục tuần tra Biển Đông để chứng minh tự do hàng hải hơn nữa. Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ đã đi vào khu vực trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Trường Sa.
Trung Quốc đã xây nhiều dảo nhân tạo tại Biển Đông và tuyên bố chủ quyền với các đảo. "Là một quốc gia đang trỗi dậy, theo dự kiến, Trung Quốc sẽ có tham vọng phát triển và hiện đại hóa quân đội. Nhưng việc Trung Quốc hành xử thế nào sẽ cho thấy mức độ cam kết của họ đối với hòa bình và an ninh".
Ông Carter cho biết Mỹ đã chuyển sự tập trung của mình tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kể cả việc gửi các vũ khí quân sự và hải quân, tàu và các thiết bị tốt nhất tới khu vực
Bảo Linh (theo AP)