Tin mới

Mỹ tính điều động máy bay B-1 để "ngăn chặn tham vọng" của Trung Quốc

Thứ sáu, 15/05/2015, 08:47 (GMT+7)

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, quân đội nước này đang lên kế hoạch triển khai các máy bay ném bom chiến lược B-1 và máy bay giám sát ở Australia nhằm ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, quân đội nước này đang lên kế hoạch triển khai các máy bay ném bom chiến lược B-1 và máy bay giám sát ở Australia nhằm ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo tin tức trên Sydney Morning Herald, trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện Mỹ hôm 13/5, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương, ông David Shear nói rằng: "Chúng tôi sẽ triển khai thêm các phương tiện Không quân ở Australia, trong đó có các máy bay ném bom B-1 và máy bay giám sát".

Tuyên bố trên được đưa ra khi chính quyền Obama đang dịch chuyển các đơn vị Thủy quân Lục chiến và Lục quân Mỹ trên Biển Đông để khẳng định quyền tự do hãng hải và thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực này thông qua việc cải tạo trái phép các bãi đá và xây dựng sân bay.

Máy bay B-1 Lancer được Không quân Mỹ triển khai lần đầu vào giữa những năm 1980 và dự kiến tiếp tục là máy bay ném bom chiến lược cho đến giữa những năm 2030.

Máy bay ném bom chiến lược B-1 của Mỹ.

Trước đây, Mỹ từng triển khai máy bay ném bom B51 đến Darwin để tham gia tập trận với Lực lượng Không quân Hoàng gia Australia.

Mỹ tiết lộ trước khi có tuyên bố từ chính phủ Australia, kế hoạch trên là một phần trong Chính sách xoay trục của quân đội Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, trong một thông cáo sáng 15/5, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Australia Kevin Andrews cho hay quan chức Mỹ đã "nói sai".

"Chúng tôi nhận thức được những phát ngôn của một quan chức Mỹ tại phiên điều trần quốc hội. Chính phủ Mỹ đã liên lạc với chúng tôi để khuyến cáo rằng quan chức này nói sai", ông Andrews nói.

Reuters ngày 12/5 đưa tin, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Washington đang cân nhắc cử tàu quân sự và máy bay để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với những đảo nhân tạo nước này xây dựng.

Ông David Shear đã từ chối bình luận về thông tin này. Tuy nhiên, ông Shear nói nhiều thực thể Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa chìm dưới nước và không mang quyền chủ quyền.

Hình ảnh chụp hôm 11/5 từ một phi cơ quân sự Philippines cho thấy Trung Quốc đang cải tạo đất ở đá Vánh Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ông Shear cho biết Mỹ có quyền đi lại tự do ở những khu vực này và đang thực hiện quyền đó ở cả Biển Đông và trên toàn cầu.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện quyền đó ở cả trên mặt nước và trên không", ông nói.

Cùng quan điểm trên, trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông Daniel Russel, cũng khẳng định rằng "dù có đổ bao nhiêu cát lên một rạn san hô ở Biển Đông thì cũng không tạo ra được chủ quyền".

Trung Quốc gần đây đẩy mạnh hoạt động bồi đắp tại 7 bãi đá ở Biển Đông và đang xây dựng đường băng phù hợp với mục đích quân sự trên một đảo nhân tạo. Mỹ từng chỉ trích rằng Trung Quốc đang âm mưu xây một "Vạn Lý Trường Thành bằng cát" ở vùng biển này.

Hôm 13/5, các thượng nghị sĩ Mỹ đã gây áp lực lên chính quyền Obama phải có những chính sách chặt chẽ và phản ứng mạnh mẽ hơn đối với hành động khiêu khích của Trung Quốc ở các vùng biển Đông Á.

Bob Corker, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nói rằng, Washington hiện đang thiếu một "chính sách chặt chẽ", đồng thời ông cũng phản đối quan điểm của chính phủ rằng Trung Quốc đang mất dần tầm vóc quốc tế vì các động thái khiêu khích.

Ông Patrick Cronin, người đứng đầu chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) cho rằng Mỹ cần phải cho Trung Quốc thấy rằng họ sẽ phải trả giá về ngoại giao và uy tín vì những “hành động xấu”, đồng thời phải tăng cường hợp tác với các nước khác trong khu vực.

Ông Cronin nhấn mạnh: “Chúng ta đang tìm cách tránh bị lấn lướt bởi một Trung Quốc đang rất quyết liệt. Khi họ làm những thứ vi phạm quy tắc, chúng ta phải đảm bảo rằng họ không được lợi gì từ các hành động đó”.

 Yên Yên (Sydney Morning Herald)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news