Hải quân Mỹ có kế hoạch tiến hành các cuộc tuần tra định kỳ khoảng 2 lần mỗi quý hoặc hơn trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông.
“Chúng tôi dự kiến sẽ tuần tra khoảng 2 lần mỗi quý hoặc nhiều hơn thế một chút”, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết.
“Đó là một tần suất phù hợp để khiến việc tuần tra diễn ra thường xuyên nhưng không gây tức mắt. Tần suất này phù hợp với ý định thường xuyên thể hiện quyền của chúng tôi theo luật pháp quốc tế, đồng thời nhắc nhở Trung Quốc cùng những bên khác về quan điểm của chúng tôi”, quan chức nói.
Phó cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes hôm qua cũng nói rằng quân đội Mỹ sẽ tiếp tục chứng tỏ cam kết đối quyền tự do hàng hải trong khu vực.
Hải quân Mỹ dự tính tuần tra Biển Đông hai lần một quý để nhắc nhở Trung Quốc về tự do hàng hải. Ảnh: US Navy. |
“Chúng tôi có lợi ích ở đó. Việc này nhằm chứng minh rằng chúng tôi vẫn sẽ duy trì các nguyên tắc tự do hàng hải”, ông Rhodes nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter có thể sẽ thăm một tàu hải quân Mỹ trong chuyến thăm châu Á sắp tới, nhưng dự kiến sẽ không lên bất kỳ tàu thực hiện hoạt động thể hiện tự do hàng hải nào, các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.
Bình luận của ông Rhodes được đưa ra một tuần sau khi Mỹ điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường áp sát một đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông hồi tuần trước.
Ông Rhodes cho hay, mục tiêu là thiết lập một khung ngoại giao nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.
Quan chức quốc phòng giấu tên trên cho hay Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter có thể tới thăm một tàu hải quân Mỹ trong chuyến thăm châu Á sắp tới, nhưng dự kiến không thăm tàu trong khi diễn ra các hoạt động các hoạt động tự do hàng hải.
Phản ứng trước việc Mỹ điều tàu tuần tra áp sát đảo nhân tạo ở Trường Sa, Việt Nam tái khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Lê Huyền (tổng hợp)