Thị trường giải trí ngày càng phát triển thì các chương trình đều cạnh tranh cao đặc biệt các gameshow giải trí trên truyền hình cũng đang mọc lên nhiều như "nấm sau mưa". Thế nhưng, việc tung ra số lượng ồ ạt khiến khán giả bị "bội thực" đã làm cho thị trường game show có dấu hiệu bão hòa dần.
Một trong những nguyên nhân khiến các gameshow đang dần bị thất thế hơn so với các phim truyền hình thời gian gần đây chính là chất lượng. Số lượng gameshow nhiều nhưng lại không tỷ lệ thuận với chất lượng bởi họ thường tập trung ở tầm trung khi dùng các chiêu trò câu khách và thậm chí còn xuất hiện nhiều nội dung phản cảm, nhạt, nhảm khiến khán giả "khó nuốt".
Dù được kỳ vọng đem lại tiếng cười cho khán giả nhưng hầu hết các chương trình gameshow đã bị nhà sản xuất đẩy yếu tố thương mại hoá lên cao và mất dần đi tính nhân văn cần có khi tung ra các chiêu trò câu view.
Gần đây nhất là việc khán giả tranh cãi khi Trường Giang "cưỡng hôn" hoa hậu Thùy Tiên trên sân khấu chương trình "Ơn giời cậu đây rồi". Điều đáng nói là đây không phải lần đầu tiên Trường Giang có những hành động thân mật quá đà với bạn diễn như thế này. Không phải ai cũng thích sự đụng chạm đến thân thể nên việc nghệ sĩ có hành động quá đà với bạn diễn cũng khiến nhiều khán giả bức xúc.
Trường Giang không phải là nghệ sĩ đầu tiên bị chỉ trích vì có những hành động nhạy cảm trên sóng truyền hình. Trong chương trình "Tỏ tình hoàn mỹ", Phạm Đình Thái Ngân bị chỉ trích vì không nhận lời tỏ tình của khách mời nữ Luna (tên thật Hằng Trịnh) nhưng lại đề nghị hôn cô. Dù Phạm Đình Thái Ngân đã xin lỗi và giải thích sau buổi ghi hình nhưng Luna cho biết cảm xúc của cô lúc mới ghi hình là hoảng hốt sau đó là tổn thương. Cô không buồn vì Phạm Đình Thái Ngân không ra về cùng mà cảm giác bị tổn thương , có chút gì đó không được tôn trọng.
Ngoài ra, Ninh Dương Lan Ngọc và Lâm Vỹ Dạ cũng nhận nhiều chỉ trích vì hôn đồng giới. Trong chương trình "7 nụ cười xuân" được lên sóng năm 2020, ở trò chơi "Bịt mắt bắt dê" Lâm Vỹ Dạ thực hiện yêu cầu của chương trình khiến đội của nữ diễn viên "Cua lại vợ bầu" thua và bà xã Hứa Minh Đạt đã "cưỡng hôn" đàn em. Còn Ninh Dương Lan Ngọc, thay vì xin thua thì lại hôn ngược đàn chị. Điều này đã khiến khán giả bức xúc vì cho rằng chương trình giải trí có nhiều đối tượng theo dõi bao gồm cả trẻ nhỏ nên việc hôn đồng giới ảnh hưởng đến tam quan nhận thức của trẻ.
Một cảnh hôn khác vấp vào ý kiến chỉ trích nặng nề là chương trình "Lựa chọn trái tim". Theo đó, ngay lần đầu gặp mặt, Mon 2K và ảo thuật gia Trần Nguyên đã có nụ hôn phản cảm, không phù hợp với sóng truyền hình. Điều đáng nói là máy quay còn nhiều lần zoom cận nụ hôn của cả hai khiến khán giả cho rằng chương trình đang cố tình câu lượt xem bằng nụ hôn quá phản cảm.
Cũng ở chương trình này, người mẫu Duy Minh và Minh Tâm cũng bị chỉ trích khi trao nhau nụ hôn say đắm khi vừa cởi bỏ mặt nạ. Sau nhiều lần như thế, khán giả cho rằng chương trình "Lựa chọn trái tim" không phải se duyên mà câu view bằng tình tiết gây sốc.
Trong một chương trình khác, thủ môn đội tuyển quốc gia Bùi Tấn Trường cũng gây sốc với cảnh cưỡng hôn nam diễn viên Quang Trung khiến cả trường quay sửng sốt. Hay chương trình “24h Thử Yêu” năm 2021, Hiếu Nguyễn cũng đã có màn cưỡng hôn “thánh nữ Bolero” Jang Mi khiến nữ ca sĩ ngượng ngùng.
Ở chương trình “Cặp đôi hoàn hảo”, Quách Ngọc Ngoan cũng đã bất ngờ ôm chặt và trao cho Ngọc Anh một nụ hôn nồng cháy kéo dài gần một phút khiến khán giả phải "đỏ mặt". Ca sĩ Trung Dũng cùng từng gây tranh cãi khi bất ngờ hôn Cát Tượng ở chương trình “Tình Bolero 2020". Dù bất ngờ nhưng Cát Tường vẫn đáp lại bằng nụ hôn nồng cháy gây tranh cãi.
Ngoài những cảnh hôn gây tranh cãi thì còn xuất hiện nhiều game show có cảnh quay hoặc nội dung phản cảm. Ví dụ như chương trình "Vợ chồng son", từ mục đích ban đầu để các cặp vợ chồng kết hôn nhiều năm chia sẻ về khó khăn trong hôn nhân thì giờ đây chương trình liên tục bị đánh giá ngày càng lạm dụng chuyện giường chiếu để câu view. Tất cả những chuyện thầm kín trong hôn nhân được kể trên sóng truyền hình khiến khán giả cũng phải ngượng thay. Điều đáng nói là những chuyện nhạy cảm này đều do chính MC chủ động gợi mở.
Trước đó, trong tập 7 chương trình Kèo này ai thắng phát sóng trên VTV3 đã khiến khán giả bức xúc trước cảnh người mẫu nữ dùng tay và miệng ngậm củ cải trắng để thí sinh Hoàng Khang phi dao. Loạt hành động trên đã bị chỉ trích quá phản cảm khi chiếu trên sóng quốc gia và ở khung giờ vàng có nhiều đối tượng theo dõi. Phải chăng chương trình đang cố tình dùng hình ảnh phản cảm, dung tục để câu view, thu hút khán giả?
Đến cả show thiên về hành động như Chơi là chạy - Running Man bản Việt cũng bị chỉ trích khi liên tiếp lợi dụng những chia sẻ hay hành động nhạy cảm trong tình yêu để kéo rating. Chẳng hạn như ở tập 5 Running Man bắt đầu ghi hình tại Hàn Quốc, trong lúc Lan Ngọc và Karik bất ngờ cùng nhau mặc áo dài màu trắng khiến người chơi quay sang "đẩy thuyền" cặp đôi.
Ê-kíp sản xuất chương trình cũng luôn sử dụng những chú thích tình cảm khi Lan Ngọc và Karik, thậm chí còn dùng từ “vợ chồng” hay “chàng Non nàng Nớt” để nói về Lan Ngọc và Karik. Việc liên tục 'xào couple' Lan Ngọc và Karik đã khiến khán giả cho rằng chương trình quá nhàm chán khi quá lạm dụng vấn đề này.
Ở chương trình "The Face Việt Nam", khán giả cũng phải căng tai để chứng kiến màn cãi nhau như vỡ chợ của các người mẫu trong cương vị là huấn luyện viên và các thí sinh tham gia. Những gì đọng lại trong đầu khán giả là những màn chặt chém, đấu khẩu ồn ào thay vì nội dung chính.
Đặc biệt, có thể thấy, những năm gần đây, nhiều gameshow cũng đã bị đánh giá nhảm, câu khách bằng những chuyện đời tư, tình yêu, thậm chí là khai thác quá đà, phản cảm khiến khán giả bức xúc. Mỗi khi bật tivi lên, khán giả còn không biết đó là gameshow và mang lại lợi ích gì khi mãi chỉ là những cảnh lôi đời tư của nhau để trêu chọc, hỏi những câu hỏi nhạy cảm... Dù mỗi chương trình đều mang lại những yếu tố giải trí nhưng dần dàn đã biến thành sự nhảm nhí và lộ ra những kịch bản do ban tổ chức vạch ra để câu lượt xem. Việc khiến các gameshow đang bị 'thất thế' và không trụ vững được lâu dài là do khán giả không thấy được vấn đề chuyên môn và tính giải trí lành mạnh.
Rõ ràng, các gameshow Việt nhiều nhưng không chất, thay vào đó là những nội dung nhảm, phản cảm khiến khán giả dần mất cảm tình. Thay vì tổ chức những chương trình ý nghĩa cung cấp kiến thức hay mang ý nghĩa hoài niệm, các trò chơi trên gameshow ngày nay lại mô tả những cảnh phản cảm, khoe thân, thậm chí còn gây lệch lạc về giáo dục giới tính.
PGS.TS Trịnh Hoà Bình từng nói trên Dân Trí rằng những chương trình này đã làm méo mó giá trị chân - thiện - mỹ đồng thời ucngx ảnh hưởng tới góc nhìn về chất lượng nghệ thuật của những người làm nghệ thuật chân chính.
Điều đáng nói là việc giữ im lặng đang là cách xử lý chung của nhiều nhà sản xuất. Mặc kệ những ảnh hưởng như thế nào, các nhà sản xuất chỉ nhăm nhăm vụ lợi kiếm tiền. Nếu tình trạng này kéo dài thì khán giả cũng sẽ chủ động đào thảo và quay lưng với những chương trình nhảm, nhạt và không đem lại mục đích nhân văn nào.
Vậy nên, những gameshow ở Việt Nam cần có sự quản lý chặt chẽ hơn để sớm ngăn chặn tình trạng khai thác quá đà các tình tiết giật gân, câu khách làm ệch chuẩn trong việc truyền bá thông tin để giáo dục và giải trí.