Theo thông cáo do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cung cấp, Ngoại trưởng Mỹ tại cuộc họp trực tuyến về Covid-19 với ASEAN sáng 23/4 đã cảm ơn các đối tác thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vì "sự hỗ trợ giá trị trong việc thúc đẩy dòng cung cấp y tế quan trọng tới Mỹ, cũng như những hỗ trợ dành cho các chuyến bay hồi hương của chúng tôi".
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao ở Washington ngày 22/4. Ảnh: Reuters
"Lấy ví dụ, Việt Nam đã xúc tiến thông quan cho các chuyến bay thuê nguyên chiếc chở 2,2 triệu bộ quần áo bảo hộ tới Mỹ, và chúng tôi kỳ vọng thêm nhiều chuyến hàng thiết bị bảo vệ cá nhân như thế nữa trong vài tuần tới. Thêm vào đó, từ đầu tháng 4, Malaysia đã tạo điều kiện vận chuyển nhanh hơn 1,3 triệu kg găng tay cho nhân viên y tế Mỹ. Campuchia giúp người Mỹ về nước an toàn từ du thuyền Westerdam.", ông Pompeo nói.
Ông Pompeo khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước ASEAN trong việc ứng phó COVID-19. Trong đó, Washington nêu cao tầm quan trọng của minh bạch thông tin. Tới nay, Mỹ đã chi hơn 35,3 triệu USD vào quỹ y tế khẩn cấp để giúp đỡ các nước ASEAN chống lại virus corona chủng mới, đóng góp vào 3,5 tỉ USD hỗ trợ y tế công đã cung cấp cho khắp các nước ASEAN trong 20 năm qua.
Đối với các thách thức an ninh, Ngoại trưởng Mỹ nói rằng, trong lúc thế giới đang chống đại dịch COVID-19, những mối đe doạ lây dài đối với an ninh chung không biến mất, mà thực tế còn nổi lên rõ hơn.
Ông Pompeo liệt kê hàng loạt diễn biến để khẳng định Bắc Kinh đang tận dụng sự phân tán chú ý để làm những việc đơn phương, như thành lập cái gọi là 'quận Tây Sa' (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và 'quận Nam Sa' (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại 'thành phố Tam Sa'. Trung Quốc cũng đánh chìm một tàu cá của Việt Nam vào đầu tháng này, và đưa vào hoạt động các 'trạm nghiêm cứu' trên đá Chữ Thập và Xu Bi (thuộc quần đảo Trường Sa).
Trung Quốc tiếp tục triển khai lực lượng dân quân biển quanh quần đảo Trường Sa và gần đây hơn là việc điều nhóm tàu, trong đó có một tàu thăm dò năng lượng, ra biển Đông chỉ nhằm mục đích duy nhất là bắt nạt các nước đang thực hiện hoạt động phát triển năng lượng trên biển.
"Mỹ phản đối mạnh mẽ hành vi bắt nạt của Trung Quốc và chúng tôi hy vọng các quốc gia sẽ buộc họ phải chịu trách nhiệm", Ngoại trưởng Mỹ nói và nhấn mạnh lại quan điểm của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ lâu nay về việc khẳng định Trung Quốc lợi dụng đại dịch COVID-19 để tiếp tục lối hành xử khiêu khích.