Bác sĩ Phạm Thị Lưu, Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân trên trung bình mỗi ngày uống từ 250 đến 300 ml.
Khi xét nghiệm máu, các bác sĩ ghi nhận huyết tương bệnh nhân rất đục chứ không phải màu vàng trong như bình thường, không đo được mỡ máu triglyceride "giống như có lớp mỡ tách hẳn ra nhìn được qua mắt thường".
Huyết tương là một trong những thành phần của máu, chiếm 55-65% tổng lượng máu trong cơ thể và đóng vai trò quan trọng để nuôi dưỡng cơ thể. Bình thường, huyết tương là chất dịch trong, có màu vàng nhạt.
Theo bác sĩ Lưu, nguyên nhân dẫn đến huyết tương trắng đục và tăng triglyceride của bệnh nhân 46 tuổi chủ yếu do chế độ ăn không hợp lý như ăn nhiều phủ tạng động vật. Ngoài ra, lối sống ít vận động, uống rượu bia nhiều năm dẫn đến bệnh nhân bị rối loạn lipid máu.
Người bệnh được điều trị kết hợp biện pháp thay đổi lối sống, chế độ ăn và các loại thuốc giảm mỡ máu; hạ triglyceride bằng truyền insulin tĩnh mạch liên tục.
Bác sĩ Lưu cho hay, người ăn uống không lành mạnh, ăn nhiều chất béo, phủ tạng động vật, lười vận động và nghiện rượu có nguy cơ cao rối loạn mỡ máu. Bệnh cũng có thể gặp ở người mắc bệnh lý nội tiết chuyển hóa khác như đái tháo đường kiểm soát đường huyết kém, suy giáp nặng, bệnh rối loạn chuyển hóa, hoặc di truyền.
Tăng triglyceride máu mức độ nặng dễ dẫn đến viêm tụy cấp. Bệnh không được điều trị sẽ diễn biến rất nhanh, phức tạp, biến chứng nặng, ảnh hưởng đến các cơ quan khác, thậm chí tử vong. Trường hợp nặng, điều trị hồi sức không đáp ứng, bệnh nhân phải phẫu thuật để cắt lọc mô bị hoại tử.
Viêm tụy cấp do rượu là phổ biến hơn ở nam giới, trong khi viêm tụy cấp do sỏi mật phổ biến hơn ở nữ giới. Viêm tụy cấp hay gặp ở phụ nữ ở độ tuổi < 35 và nam giới trong độ tuổi từ 35 đến 54. Viêm tụy cấp do tăng triglycerid có tỉ lệ 1% - 4% các trường hợp.
Để điều trị tăng triglyceride máu, bệnh nhân kết hợp dùng thuốc và thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục thể thao thường xuyên, giảm hoặc dừng sử dụng rượu. Trường hợp tryglyceride máu cao, lượng chất béo được khuyến nghị được hạn chế ở 10-15% tổng năng lượng ăn vào, khoảng 15-20 g/ngày, carbohydrate nên chiếm 55-60% và lượng protein là 15-20% năng lượng ăn vào hàng ngày.
Các bệnh nhân đề kháng insulin và đái tháo đường nên tránh các thức ăn và thức uống nhiều đường. Lượng fructose nạp mỗi ngày không hơn 50 mg để tránh tăng nồng độ triglyceride huyết tương so với các loại đường khác.
Đặc biệt, bệnh nhân nên khám định kỳ thường xuyên để phát hiện cũng như điều trị nguyên nhân tăng triglyceride máu. Trường hợp mắc các bệnh lý chuyển hóa đi kèm sẽ được bác sĩ chuyên khoa nội tiết tư vấn cách phòng ngừa, kiểm soát rối loạn lipid máu.