Những lời buộc tội vô căn cứ mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter dành cho Nga cũng như những Chính sách vô trách nhiệm của Lầu Năm Góc ở Syria đã đe dọa sẽ làm lu mờ những cuộc đàm phán nhắm hướng tới việc hợp tác để điều tra thảm họa máy bay Nga tại Ai Cập.
Phát biểu trước quân đội Mỹ tại một hội nghị ở California thời gian gần đây, người đứng đầu Lầu Năm Góc Ashton Carter đã lộ rõ bản chất và một lần nữa không chỉ chỉ trích gay gắt chính sách ngoại giao của Nga mà còn vận động quyết liệt để "răn đe" nó.
Ông đã buộc tội Moscow "đóng vai trò phá hỏng" cuộc khủng hoảng Syria", "để thêm dầu vào ngọn lửa vốn đang nguy hiểm" và được cho là có liên quan tới "sự đe dọa hạt nhân". Do đó, ông đề xuất việc hành động để "ngăn chặn sự gây hấn của Nga" tại châu Âu.
Những tuyên bố của ông Carter gần như trùng khớp với các báo cáo của phương tiện truyền thông về việc FBI sẵn sàng giúp các đồng nghiệp Nga điều tra vụ tai nạn máy bay chở khách rơi ở bán đảo Sinai, Ai Cập (có thể do tấn công khủng bố) khiến 224 người thiệt mạng.
Sự hợp tác này sẽ là sự tương tác đầu tiên giữa cơ quan an ninh Nga và Mỹ kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine và sự sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga.
Ảnh minh họa Iorsh |
Một chính quyền, nhiều ý kiến
Với vấn đề Syria, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ đã có những tuyên bố trái ngược với Bộ Ngoại giao. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng nhiệm Mỹ của ông, John Kerry đã có nhiều cuộc đối thoại trong những tuần gần đây về chuyện giải quyết vấn đề Syria.
Nếu những cáo buộc chống lại Moscow được thốt ra từ miệng ông Kerry tại Vienna thì có lẽ cuộc gặp đa phương sẽ chấm dứt hoàn toàn.
Tuy nhiên, dù cho vẫn có những khác biệt nghiêm trọng tồn tại trong quan điểm của Nga và Mỹ về quá trình giải quyết khủng hoảng Syria, vẫn còn hy vọng nhỏ nhoi về một cuộc đàm phán để đi tới thỏa hiệp chứ không phải là sự suy biến của tình hình.
Nói chung, điều đó xảy ra khi "sự khác biệt trong phong cách" giữa Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao phải không quá lớn.
Mong muốn bắt kịp
Từ lâu, Lầu Năm Góc đã tìm một lý do và cơ hội "để có một luồng sinh khí mới" trong việc xây dựng các công trình quân sự của NATO ở châu Âu. Người châu Âu đã nhiều lần bị Washington chỉ trích vì chi tiêu cho quân sự ít hơn so với những gì được nêu trong kế hoạch và chương trình của NATO.
Ngoài ra, từ năm 1985, số quân Mỹ tại châu Âu đã giảm từ hơn 300.000 xuống còn trên 50.000 (Sự giảm sút này ít hơn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương).
Giờ đây, Lầu Năm Góc muốn "bắt kịp", bất chấp cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang dịu đi. Họ xem cuộc khủng hoảng này như một cái cớ để biện minh cho những gì mình làm.
Tình hình Ukraine đã dịu đi mà không cần sự can thiệp của NATO, nhưng bằng các cuộc đàm phán phức tạp, các nước phương Tây đã dùng tới áp lực kinh tế chứ không phải quân sự để ép Nga.
Bên cạnh đó, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã bắt đầu đưa ra những tuyên bố thường xuyên rằng không cần có sự tham gia của Moscow, họ vẫn có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng Syria. Họ không đề cập đến thực tế là sẽ không giải quyết được hoàn toàn cuộc khủng hoảng Ukraine mà không tính đến lợi ích của mình.
Những tuyên bố gay gắt mà quân đội Mỹ đưa ra trở nên thường xuyên hơn sau khi Nga bắt đầu can thiệp quân sự vào Syria. Sự can thiệp này hóa ra lại tương đối hiệu quả trước sự ngạc nhiên của nhiều người phương Tây. Hành động của Moscow ở Trung Đông đã được truyền thông Mỹ đưa tin và quan trọng nhất, phần lớn đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ cũng nhắc tới. Điều này là một "thất bại" của chính quyền Obama.
Hùng biện để bù lại thất bại
Những lời hùng biện gay gắt của Lầu Năm Góc như để "bù đắp lại" cho những thiệt hại về tuyên truyền và không để cho những người của đảng Cộng hòa trỗi dậy trong thời gian tới, khi mà cuộc chạy đua bầu cử tổng thống bắt đầu mở ra. Tất nhiên, quan hệ Nga - Mỹ ngày nay đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Có lẽ, nó có thể được coi là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Tất nhiên, chính quyền Obama hầu như không muốn để cuộc khủng hoảng còn chưa được giải quyết ở Ukraine và Trung Đông như một di sản cho người kế nhiệm. Và nếu các bên đã kiềm chế để ngừng leo thang hơn nữa, cuộc khủng hoảng quy mô lớn thứ hai vẫn không khó đoán trước bởi mức độ có thể lây lan của nó đối với các nước láng giềng.
Trong cả 2 trường hợp, quá trình chuyển đổi dẫn tới sự tương tác tối thiểu là "có chừng mực và nguội lạnh" với Moscow có thể mang lại kết quả đáng kể. Thay vào đó, những cá nhân trong chính quyền Mỹ đang đưa ra những tuyên bố mà chẳng thể mô tả là cái gì khác ngoài khiêu khích. Đó thực sự là người đang đổ thêm dầu vào lửa và làm như vậy thực sự đang hổi bùng lên ngọn lửa thù hận giữa Nga - Mỹ.
* Ý kiến nêu trong bài viết là của tác giả Georgy Bovt được đăng tải trên trang Russia beyond the headlines.
Bảo Linh (theo rbth)