Đập Tiểu Lãng Để (Xiaolangdi) xả lũ tại Tế Nguyên, Hà Nam hôm 6/7. Ảnh: DPA
Mùa hè năm nay, hàng chục triệu người khắp Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi mưa lớn gây lũ lụt, lở đất. Các thành phố và làng mạc ở hàng chục tỉnh đều bị tàn phá. Đây là trận lụt tồi tệ nhất tấn công Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Mưa lớn xảy ra ở 27/31 tỉnh của Trung Quốc kể từ tháng 6, ảnh hưởng tới hơn 37 triệu người và khiến 141 người thiệt mạng hoặc mất tích, theo số liệu của Bộ Quản lý Khẩn cấp đưa ra hôm 13/7. Thiệt hại về kinh tế ước tính 86 tỷ nhân dân tệ (12,3 tỷ USD).
Để so sánh, hãy nhìn lại trận Đại hồng thủy năm 1993 dọc sông Mississippi và Missouri cùng cách nhánh của chúng khiến 50 người thiệt mạng và 54.000 người phải sơ tán. Đây là một trong những trận lụt khủng khiếp nhất từng thấy ở Mỹ. Thiệt hại kinh tế ước tính 15-20 tỷ USD.
Các phương tiện bị ngập nước tại huyện Tòng Giang, tỉnh Quý Châu vào đầu tháng 6. Ảnh: Tân Hoa xã
Lũ lụt Trung Quốc bắt đầu từ phía nam, tại khu vực Choang Quảng Tây và tỉnh Quý Châu vào tháng 6. Mưa lớn đã tàn phá khắp các vùng rộng lớn của đất nước, như Giang Tây ở phía đông, An Huy ở đông nam, Hồ Bắc ở miền trung. Một số nơi đã phải nâng mức ứng phó khẩn cấp để kiểm soát lũ lụt lên cao nhất.
Nguồn: China Weather Network
Quy mô thảm họa là rất lớn. Mực nước tại 433 con sông đã nằm trên mức kiểm soát lũ từ tháng 6. Trong số đó, 33 con sông đạt mức nước cao kỷ lục, theo Bộ Tài nguyên Nước. Tại một số khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chẳng hạn như Giang Tây, những con đê bị vỡ, nhà bị phá hủy nhắc nhở người dân địa phương về trận đại hồng thủy năm 1998 khiến hơn 3.000 người thiệt mạng và 15 triệu người mất nhà cửa.
"Chúng tôi đang ở chỗ cao hơn nên không nghĩ lũ lụt lại nghiêm trọng như vậy. Nhưng nước ồ ạt chảy đến và tôi phải lấy ô tô đến cửa hàng đóng gói đồ", Ping Ping, một chủ cửa hàng đồ gốm tại Cảnh Đức Trấn, Giang Tây cho biết. "Tôi mới chỉ thấy lũ lụt trên tin tức. Đêm đó, nước lũ ban đầu dâng đến đầu gối tôi, sau đó một đợt nước tiếp theo tràn đến. Chính quyền Cảnh Đức Trấn phải suy nghĩ về vấn đề này. Chúng tôi nghe nói có lũ lụt hàng năm, vì vậy những chủ cửa hàng có kinh nghiệm thường biết khi nào cần chuẩn bị", cô nói và đặt câu hỏi về việc tại sao họ lại không chuẩn bị trong mùa hè này.
>> Xem thêm: Trắng đêm ngăn lũ tại hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc
Tại sao lũ năm nay nghiêm trọng?
Trung Quốc từ lâu đã có lũ vào mùa hè, kết hợp với các lý do khí hậu và hành vi của con người khiến lũ càng kéo dài lâu hơn bình thường và lượng mưa rất lớn tại một số khu vực.
"Hệ thống áp suất cao cận nhiệt đới tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương năm nay rất mạnh", Song Lianchun, một nhà khí tượng tại Trung tâm Khí hậu Quốc gia cho biết.
Còn một lý do khác nữa là do sự nóng lên toàn cầu, ông nói. "Chúng ta không thể nói một sự kiện thời tiết cực đoan là do biến đổ khí hậu gây ra, nhưng hãy nhìn về lâu về dài, sự nóng lên toàn cầu đã làm tăng tần suất và cường độ của các sự kiện thời tiết cực đoan", ông Song cho biết.
Từ năm 1961-2018, những lần "mưa cực lớn" tại Trung Quốc đã gia tăng, theo Sách xanh về Biến đổi Khí hậu Trung Quốc (2019) ghi nhận. Và từ giữa những năm 1990, tần suất mưa cực lớn đã tăng lên đáng kể. Trong 60 năm qua, số ngày có mưa lớn đã tăng 3,9% mỗi thập kỷ.
>> Xem thêm: Hơn 30.000 dân cổ trấn Trung Quốc chạy lụt giữa đêm
Bên cạnh lượng mưa, hành vi của con người cũng góp phần làm trầm trọng thêm tình hình lũ lụt ở Trung Quốc.
Fan Xiao, một nhà địa chất học thuộc Cục Khoáng sản và Địa chất Tứ Xuyên cho biết nhiều thập kỷ cải tạo đất và xây đập trên các con sông gần đó đã làm giảm diện tích và thể tích hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc đặt ở tỉnh Giang Tây. Khoảng 1.300 km2 đất dược khai hoang từ năm 1954-1998 khiến diện tích bề mặt hồ đã giảm từ 5.160 km2 xuống còn 3.860 km2, theo một nghiên cứu của nhà địa láy học David Shankman đến từ ĐH Alabama.
Tình nguyện viên môi trường Zhang Wenbin cho biết ông đã điều tra các hoạt động cải tạo đất bất hợp pháp tại Tuolin, một hồ nước khác trong tỉnh này. Theo ông, một số dự án quanh hồ vẫn đang được tiến hành vào năm ngoái dù các thanh tra môi trường từ Bắc Kinh đã ra lệnh dừng lại. "Có rất nhiều trường hợp tương tự", ông Zhang nói. Ông cho biết thêm hồ Tuolin cũng đã giảm kích thước, giảm khả năng lưu trữ nước lũ.
Một ngư dân chèo thuyền qua ngôi nhà chìm đưới nước tại làng Long Khẩu, huyện Bà Dương tỉnh Giang Tây. Ảnh: Getty
Lũ lụt so với các năm khác
Trận lụt kinh hoàng nhất của Trung Quốc là vào năm 1931 với hơn 2 triệu người thiệt mạng. Lũ lụt đã làm ngập diện tích bằng kích thước của nước Anh và một nửa Scotland cộng lại, ảnh hưởng tới 25 triệu người (1/10 dân số lúc bấy giờ), Chris Courtney, một giáo sư trợ lý tại ĐH Durham viết trong bài "Thiên tai ở Trung Quốc"
Kể từ khi CHND Trung Hoa được thành lập năm 1949 đã có 2 trận lụt thảm khốc. Lần đầu là vào mùa hè năm 1954 dọc sông Dương Tử. Kết quả khiến hơn 30.000 người thiệt mạng và ảnh hưởng tới 18 triệu người.
Lần hai là vào năm 1998, cũng dọc sông Dương Tử, cũng ở phía nam và phía bắc đất nước. Đây là trận lụt tồi tệ nhất trong những năm gần đây với hơn 3.000 người thiệt mạng và 15 triệu người mất nhà cửa, thiệt hại kinh tế là 24 tỷ USD.
Thế nhưng Song Lianchun, người đứng đầu Trung tâm Khí hậu Quốc gia nói với phóng viên rằng những trận mưa lớn năm nay không ảnh hưởng đến khu vực rộng lớn của sông Dương Tử như năm 1998. "Lũ lụt năm 1998 có tác động đến toàn bộ khu vực Dương Tử nhưng năm nay, mưa lớn chủ yếu ảnh hưởng đến vùng trung lưu và hạ lưu con sông, vì vậy vùng bị ảnh hưởng nhỏ hơn", ông Song nói.
>> Xem thêm: 24 triệu người Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi lũ chỉ riêng trong tháng 7
Phòng chống lũ lụt
Sau thảm họa năm 1998, Bắc Kinh đã tăng chi tiêu cho phòng lũ. "Sự đầu tư vào nguồn nước của Trung Quốc trong 5 năm sau năm 1998 nhiều hơn tổng cộng từ năm 1949-1999", Cheng Xiaotao, chuyên gia của Ủy ban Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia cho biết. Ông Cheng nói rằng các hồ chứa được xây dựng trên những con sông lớn tại Trung Quốc sau năm 1998, trong đó có đập Tam Hiệp có vai trò chính trong việc giảm áp lực lũ tại hạ lưu sông Dương Tử.
Đập Tam Hiệp tại Nghi Xương, Hồ Bắc được xem xét kỹ lưỡng một lần nữa. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, các chuyên gia đã đặt câu hỏi rằng liệu những con đập khổng lồ có thể kiểm soát lũ lụt ở hạ lưu một cách hiệu quả và đập Tam Hiệp (được xây dựng năm 2006 để giúp chế ngự Dương Tử) một lần nữa được xem xét kỹ lưỡng.
Ông Fan, một nhà địa chất học đến từ Tứ Xuyên nói rằng con đập có thể ngăn chặn phần nào lũ lụt ở thượng nguồn nhưng nó có tác dụng hạn chế trong việc kiểm soát lũ lụt ở trung và hạ lưu sông Dương Tử.
Theo Peter Gleick, một nhà nghiên cứu thủy khí học và là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, một trong những bài học từ đập Tam Hiệp là không có con đập nào, dù lớn đến đâu có thể ngăn chặn được cơn lũ tồi tệ nhất xảy ra. Nhưng ông Gleick nói rằng người ta không thể biết được liệu lũ lụt tại Trung Quốc sẽ tệ hơn hay tốt lên nếu không có đập Tam Hiệp. "Những gì chúng ta biết là rủi ro ngày một tăng của biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm gia tăng những nguy cơ lũ lụt và những trận mưa cực đoan. Điều đó khiến những con đập như Tam Hiệp không thể ngăn lũ lụt tồi tệ xảy ra trong tương lai".
Liu Junyan, một nhà vận động về khí hậu và năng lượng của Greenpeace East Asia nói rằng cường độ và tần suất của các sự kiện thời tiết cực đoan ngày càng tăng nghĩa là các nhà hoạch định đô thị Trung Quốc nên xem xét đến những rủi ro về khí hậu. "Việc lên kế hoạch và xây dựng có thể giải quyết được những rủi ro về khí hậu trong tương lai", cô nói.