Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang cân nhắc khả năng bắn hạ UAV của Trung Quốc trong trường hợp Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) quyết định tiến hành tuần tra thường xuyên qua vùng trời Senkaku/Điếu Ngư.
Tờ Want China Times dẫn nguồn tin từ hãng Kyodo News có trụ sở tại Tokyo cho biết, các quan chức quốc phòng Nhật Bản đang tranh luận liệu có nên bắn hạ UAV Trung Quốc xâm phạm vùng trời hay không.
Một bài viết của tạp chí Quân đội Trung Quốc (PLA) được công bố hồi tháng 10/2014 cho biết, quân đội Trung Quốc có kế hoạch thực hiện các cuộc tuần tra thường xuyên trên không phận nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp.
Bài viết này cho rằng nếu chỉ các tàu Cảnh sát biển thôi thì không đủ để bảo vệ "chủ quyền" của Trung Quốc và Khu vực nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông.
Tạp chí PLA ước tính quân đội Trung Quốc có khoảng 50 máy bay không người lái.
Máy bay không người lái Wing Loong, một trong những loại có thể được Quân đội Trung Quốc sử dụng để tuần tra trên Biển Hoa Đông. |
Trung Quốc đã triển khai máy bay không người lái tuần tra không phận Senkaku/Điếu Ngư lần đầu tiên vào năm 2013. Việc PLA quyết định thực hiện tuần tra trên không thường xuyên bằng máy bay không người lái một lần nữa để đáp lại hoạt động của máy bay không người lái của Mỹ trên Biển Hoa Đông. Không quân Mỹ đã triển khai hai máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk ở Okinawa để giám sát hoạt động của Hải quân Trung Quốc trong khu vực. Trung Quốc đã nhiều lần dùng thiết bị điện tử để gây nhiễu các UAV của Mỹ bay trên không phận tranh chấp.
Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản năm nay nói rằng để chống lại máy bay Trung Quốc xâm nhập, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cần sử dụng máy bay chiến đấu để ngăn chặn. Các quan chức quốc phòng đang tranh luận liệu việc sử dụng chiến đấu cơ hạ UAV Trung Quốc có phù hợp hay không.
Junichi Abe, một chuyên gia quốc phòng Nhật Bản, lo ngại rằng hành động này sẽ bị Trung Quốc coi là “cực kỳ khiêu khích”.
Trong một diễn biến liên quan, tờ Yomiuri Shimbun cho biết, Trung Quốc dường như sẽ sử dụng căn cứ mới để làm nơi neo đậu cho các tàu của nước này làm nhiệm vụ giám sát tại những vùng nước quanh chuỗi đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku. Căn cứ cũng có thể đảm nhận vai trò của một trung tâm duy tu, bảo trì cho những đội tàu của Bắc Kinh hoặc huấn luyện thủy thủ đoàn.
Chuỗi đảo Điếu Ngư/Senkaku là tâm điểm tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. |
Được biết đến như "trung tâm chỉ huy an ninh chung Ôn Châu", căn cứ này dự kiến được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 500.000 m2, tích hợp cả một cầu tàu 1.200m. Nó đủ khả năng chứa khoảng 6 tàu, bao gồm cả những tàu lớn có lượng giãn nước lên tới 10.000 tấn.
Chính quyền Trung Quốc cũng sẽ xây dựng kho chứa máy bay trực thăng và một trung tâm đào tạo bên trong căn cứ. Tổng chi phí để hoàn thành công trình này lên đến gần 535 triệu USD.
Sau khi Nhật Bản quốc hữu hoá chuỗi đảo Điếu Ngư/Senkaku cách đây vài năm, các máy bay và tàu Trung Quốc liên tục trinh sát chuỗi đảo không người ở này. Căn cứ Ôn Châu, cách Điếu Ngư/Senkaku khoảng 350 km, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc triển khai thường xuyên hơn những hoạt động tuần tra trên biển nhằm tuyên bố chủ quyền với chuỗi đảo.
Yên Yên (Want China Times)