Sau quyết định diễn giải lại Hiến pháp, Nhật Bản đang ồ ạt xuất khẩu và hợp tác vũ khí sang các nước, đồng thời, báo chí nước này cũng không giấu giếm việc họ muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng.
Kể từ tháng 4/2014, Quốc hội Nhật Bản đã chính thức phê chuẩn việc xóa bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí đối với các tập đoàn công nghiệp của nước này. Tuy nhiên, phải đợi đến tháng 7/2014, khi Hiến pháp Nhật Bản được sửa đổi, các lô hàng vũ khí đầu tiên mới chính thức được “lên đường”.
Trên thực tế, việc điều chỉnh của lệnh cấm xuất khẩu vũ khí Nhật Bản được thay đổi “theo lộ trình” và kéo dài qua nhiều năm. Ban đầu, lệnh cấm ngăn cản Nhật Bản bán vũ khí cho các nước đang can dự vào các cuộc xung đột quốc tế hay bị Liên hợp quốc cấm vận.
Đến năm 2011, lệnh cấm được nới lỏng thêm, cho phép Nhật Bản tiến hành phát triển và hợp tác sản xuất vũ khí với Mỹ, nhất là trong khuôn khổ hệ thống phòng thủ tên lửa. Và đến tháng 4/2014, lệnh cấm này được hủy bỏ hoàn toàn.
Các nguyên tắc mới này cho phép phát triển và sản xuất vũ khí trong quan hệ đối tác với Mỹ và các nước khác. Nhật Bản cũng có thể xuất khẩu thiết bị quân sự cho các nước nằm cạnh tuyến đường biển có liên hệ mật thiết và có tầm quan trọng sống còn đối với nền kinh tế Nhật Bản.
Nhật Bản đang hợp tác với Anh trong việc phát triển và sản xuất tên lửa không đối không Meteor
Nhờ có Hiến pháp sửa đổi, ngoài việc xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản còn có thể chuyển giao công nghệ quân sự cho các đối tác hoặc các đồng minh và cùng nhau phát triển các hệ thống vũ khí.
Trong lô hàng xuất sang Anh lần này, Nhật Bản gửi đi một số thành phần của tên lửa không đối không Meteor – dự án mà Nhật hợp tác, phát triển với Anh.
Meteor là loại tên lửa có khả năng dẫn bằng radar chủ động, nghĩa là trên tên lửa có gắn cả radar, phát sóng đến mục tiêu và lái đầu dò theo tín hiệu phản xạ. Đặc điểm đó cho phép tên lửa Meteor có thể diệt mục tiêu từ rất xa (tầm bắn lên đến 300 km), tránh cho phi công phải tiếp cận gần máy bay địch.
Tên lửa Meteor có nhiệm vụ phục vụ cho việc cải thiện khả năng của các máy bay Eurofighter Typhoon, Gripen và Rafale.
Bên cạnh đó, các nhà phát triển Meteor còn có dự định đưa nó lên gắn trên máy bay tiêm kích F-35. Nhật Bản đã đặt mua 42 tên lửa loại này, trong đó có bốn quả nằm trong nguồn chi của ngân sách quốc phòng năm 2014. Trong hợp tác với nước Anh liên quan tới tên lửa không đối không Meteor, phía Nhật Bản bảo đảm sản xuất một số thành phần có yêu cầu kỹ thuật rất cao và vô cùng tốn kém.
Tàu ngầm 4.200 tấn lớp Soryu của Nhật Bản
Trong trường hợp với Mỹ, tập đoàn công nghiệp Mitsubishi Heavy Industries (MHI) xuất khẩu các thiết bị, chi tiết, được sử dụng trong hệ thống tên lửa PAC-2 sẽ được bán cho Qatar. Quyết định xuất khẩu này diễn ra sau khi Mỹ ký một thỏa thuận với Qatar hôm 14/7 vừa qua, để bán các máy bay lên thẳng tấn công Apache cho Vương quốc vùng Vịnh này và các hệ thống phòng không Patriot và Javelin với tổng giá trị của lô hàng khoảng 11 tỷ USD.
Theo tiết lộ của nhật báo "Nikkei" (Nhật Bản), lô hàng xuất khẩu sang Mỹ lần này của Nhật Bản là một thành phần chủ yếu của một thiết bị hồng ngoại được đặt ở đầu tên lửa, xác định và vây dồn các mục tiêu.
Không chỉ xuất khẩu sang Mỹ và Anh, hôm 8/7, Nhật Bản và Australia đã ký một thỏa thuận về việc chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng trong lĩnh vực tàu ngầm. Việc bán tàu ngầm 4.200 tấn lớp Soryu của Nhật Bản cho Australia đã được hai bên bàn thảo.
Báo chí Nhật Bản không giấu giếm rằng nước này đã bày tỏ mong muốn tiến hành kiểu hợp tác như vậy với Việt Nam, trong bối cảnh giới quan sát cho rằng sự hợp tác về công nghệ và công nghiệp quốc phòng hoặc bán vũ khí của Nhật Bản cho các nước láng giềng rõ ràng đang tạo thuận lợi cho việc tăng cường các liên minh của Nhật Bản để đối phó với Trung Quốc.
Ngoài ra, được biết trong tương lai gần, Nhật Bản cũng xuất khẩu thiết bị quân sự cho Ấn Độ, một nước châu Á khác mà Tokyo duy trì quan hệ đối tác chiến lược từ hơn một thập niên nay. Và nếu không có gì thay đổi, lô hàng đầu tiên sẽ được bán cho New Delhi là máy bay quân sự US-2.