Theo tin tức từ Thanh Niên, chiều ngày 30/11, Bộ TT-TT đã tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp quản lý quảng cáo trên mạng. Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm, trong hoạt động quảng cáo, các nền tảng xuyên biên giới có lợi thế nhất định do họ có công nghệ hiện đại, lượng người dùng lớn, có nhiều dữ liệu về hành vi người dùng phục vụ bán quảng cáo hiệu quả…
Tuy nhiên nền tảng này có nhiều nội dung quảng cáo "bẩn" thu hút được rất người xem dẫn đến nhiều hệ lụy, vì vậy, bằng mọi cách, phải chấm dứt quảng cáo "bẩn" trên không gian mạng.
Nói cụ thể về thực trạng quảng cáo vi phạm trên mạng, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH-TTĐT), Bộ TT-TT, cho biết Nghị định 70 về quảng cáo xuyên biên giới ban hành tháng 7/2021 quy định "người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài phải thông báo với Bộ TT-TT 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam".
Theo đó không được đặt quảng cáo vào nội dung xấu độc, chống phá Nhà nước, vi phạm bản quyền; người kinh doanh các dịch vụ quảng cáo, phát hành quảng cáo không hợp tác phát hành quảng cáo với các trang thông tin điện Tử vi phạm pháp luật được Bộ TT-TT công bố; phải nộp báo cáo về Bộ theo định kỳ hoặc đột xuất.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện, vi phạm trong hoạt động quảng cáo vẫn tràn lan. Tính đến nay, mới có 9 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài đăng ký với Bộ TT-TT.
Về trường hợp của Nờ Ô Nô, Cục trưởng Cục PTTH và Thông tin điện tử cho biết: "Với kênh Nờ Ô Nô, Bộ đã công bố là kênh vi phạm, nhãn hàng nào book quảng cáo vào kênh đó thì nhãn hàng đó cũng vi phạm".
Như vậy dường như Nờ Ô Nô là một Tiktoker đầu tiên bị "phong sát" tại Việt Nam. Có lẽ sau sự việc này, nhiều bạn trẻ sử dụng content bẩn để tạo sự nổi tiếng cho bản thân sẽ phải suy nghĩ lại để không lầm đường lạc lối.