Tin mới

Ông Tập Cận Bình đang vấp phải sự kháng cự "không thể tưởng tượng"

Thứ bảy, 22/08/2015, 09:10 (GMT+7)

Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 20/8 đã có bài bình luận cho rằng, cuộc cải cách toàn diện từ chính trị đến quân đội do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng đang vấp phải "sự kháng cự mạnh mẽ".

Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 20/8 đã có bài bình luận cho rằng, cuộc cải cách toàn diện từ chính trị đến quân đội do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng đang vấp phải "sự kháng cự mạnh mẽ".

Tờ South China Morning Post đưa tin, bằng một giọng điệu mạnh mẽ, giận dữ, bài bình luận khẳng định cuộc cải cách tại Trung Quốc đang ở một giai đoạn quan trọng và gặp phải những khó khăn to lớn, ảnh hưởng tới lợi ích của nhiều nhóm khác nhau.

"Việc cải cách sâu rộng đã động chạm đến những vấn đề cơ bản của việc cơ cấu lại những huyets mạch của nền kinh tế khổng lồ và nhằm mục đích khiến nó trở nên vững vàng hơn. Tuy nhiên, mức độ chống đối đang vượt xa những gì có thể tưởng tượng trước đây".

Bài bình luận trên được kí tên "Gouping", một bút danh thường được truyền thông nhà nước sử dụng khi bình luận về những vấn đề lớn của đảng cộng sản và nhà nước. Bài viết xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nhà nước, bao gồm cả các trang web của CCTV và tờ Guangming Daily.

Nỗ lực cải cách của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang gặp phải sự kháng cự "không thể tưởng tượng".

Các nhà quan sát cho rằng, bài bình luận cho thấy cuộc cải cách đã không đạt được kết quả như mong đợi và gặp phải sự phản đối của nhiều phe phái khác nhau.

Xu Yaotong, một giáo sư khoa học chính trị tại Học viện Quản trị Trung Quốc cho biết, việc công bố thông tin này diễn ra giữa lúc đang có những lo ngại cho rằng chiến dịch chống tham nhũng nhắm đến những quan chức quân sự và các chính trị gia hàng đầu đang bị suy yếu và vấp phải nhiều phản đối.

"Dựa vào những thông điệp trong bài bình luận của Gouping, tôi cho rằng các lãnh đạo trung ương đã bắt đầu lo lắng", ông Xu nói.

Ông Xu cho rằng, sự phản kháng có thể đến từ ba nhóm: các lãnh đạo về hưu muốn duy trì ảnh hưởng phía sau "hậu trường"; các quan chức đã bị suy yếu quyền lực; những công chức không hài lòng với quy định "thắt lưng buộc bụng".

Bài viết xuất hiện sau một loạt bài bình luận trên tờ Nhân dân nhật báo với nội dung chỉ trích các cán bộ nghỉ hưu vẫn tiếp tục duy trì ảnh hưởng. Bài bình luận cũng được đưa ra đúng thời điểm hội nghị bí mật hằng năm của các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà vừa mới kết thúc.

Chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" ở Trung Quốc dường như đang suy yếu và vấp phải nhiều phản đối.

Nhà bình luận chính trị tại Bắc Kinh Zhang Lifan cũng nhận định rằng, bài bình luận báo hiệu rằng "mọi việc không tiến triển thuận lợi".

"Rõ ràng họ đã không đạt được bất kỳ sự đồng thuận nào tại hội nghị Bắc Đới Hà. Các nhóm khác nhau đang theo đuổi lợi ích theo những cách riêng của họ. Đây là một thử nghiệm về khả năng của nhà lãnh đạo trong việc thực hiện sứ mệnh của mình", ông Zhang nói.

Ông Zhang cũng cho rằng, mục tiêu của việc để thị trường đóng vai trò quyết định trong việc "phân bổ nguồn lực" là một trong những kỳ vọng còn phải trải qua chặng đường dài.

"Cải cách phải giải quyết được vấn đề chính trị và kinh tế tại cùng một thời điểm. Nếu hệ thống chính trị không thay đổi, những lực cản trong bộ máy chính quyền sẽ chỉ khiến cải cách càng đi vào vòng luẩn quẩn".

Giáo sư khoa học chính trị tại đại học Renmin nói, nỗ lực thúc đẩy cải cách không chỉ thất bại trong việc đem lại kết quả, mà còn phản tác dụng.

"Sự chống đối không chỉ với cuộc cải cách mà còn những trở ngại khác", ông nói.

Lê Huyền (South China Morning Post)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news