Phát biểu khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2015 hôm 28/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng bất ổn ở trong nước hay nước ngoài không phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc, đồng thời cam kết Bắc Kinh sẽ không bao giờ đi trệch khỏi con đường phát triển hòa bình.
Cũng trong buổi khai mạc, ông Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng ký kết thêm nhiều hiệp ước hữu nghị với các nước láng giềng và đề xuất tổ chức đối thoại giữa các nền văn minh châu Á.
Ông Tập Cận Bình nêu rõ: "Điều Trung Quốc cần nhất là môi trường hài hòa, ổn định trong nước và môi trường quốc tế hòa bình... Trung Quốc trong quá khứ đã có hơn 100 năm hứng chịu bất ổn và chiến tranh, và nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ áp đặt lên các quốc gia và nhân dân khác lịch sử đau thương mà chính nhân dân chúng tôi đã trải qua".
Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình tuyệt đối không nhắc đến tranh chấp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Cũng theo Chủ tịch Trung Quốc, tâm lý thời Chiến tranh Lạnh cần phải được loại bỏ và những khái niệm an ninh mới cần được khuyến khích trong bối cảnh châu Á đang tìm kiếm con đường để đảm bảo an ninh ở châu lục này.
Tiếp lời ông Tập Cận Bình, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói rằng ông ủng hộ tìm ra các giải pháp hòa bình cho các vấn đề trong khu vực.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí Nhật trước khi sang Trung Quốc, ông Widodo cho biết các tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý trong luật pháp quốc tế, nhưng Jakarta vẫn muốn là "bên trung gian trung thực" trong việc giải quyết một trong những tranh chấp gai góc nhất của châu Á.
Trước đó, tối 26/3, Tân Hoa xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết ASEAN và Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc họp về việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) tại thành phố Yangon của Myanmar từ ngày 30-31/3.
Theo bà Hoa, đây sẽ là cuộc họp lần thứ 13 của nhóm làm việc chung Trung Quốc - ASEAN về việc thực hiện DOC, vốn được hai bên ký năm 2002.
Bà Hoa nhấn mạnh rằng Trung Quốc xem trọng cuộc họp sắp tới và sẽ trao đổi quan điểm với các bên tham gia về việc thực hiện DOC một cách đầy đủ và hiệu quả; xúc tiến hợp tác biển và tham vấn cho việc biên soạn Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Thực tế, Trung Quốc đang có một số hành động vi phạm DOC ở biển Đông. Cụ thể, trong thời gian qua, nước này không ngừng thực hiện các hoạt động bồi đắp phi pháp tại ít nhất 6 bãi đá nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, khiến cộng đồng quốc tế rất quan ngại.
“Các hoạt động xây dựng nói trên về cơ bản đi ngược lại điều 5 của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)”, chuyên gia Tôn Vân thuộc Trung tâm phản biện Chính sách Stimson (Mỹ) khẳng định khi trả lời phỏng vấn gần đây của Báo Thanh Niên. Bà Tôn còn đề xuất: “ASEAN nên tập trung tìm ra giải pháp để cùng đồng thuận phản ứng hành vi mang tính làm đảo lộn hiện trạng này”.
Yên Yên (tổng hợp)