Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói rằng ông có thể sử dụng Chính sách "Một Trung Quốc" như một con bài để mặc cả trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc về thương mại và một số vấn đề khác. Tuy nhiên, Trump vẫn còn những con bài khác có thể sử dụng để buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ.
Biển Đông
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng, con bài chính đầu tiên có thể kể đến chính là vấn đề Biển Đông. Màn đối đầu mới nhất của Mỹ - Trung trên Biển Đông là việc Bắc Kinh thu giữ một thiết bị lặn không người lái do tàu khảo sát hải dương Mỹ USNS Bowditch triển khai ở phía tây bắc vịnh Subic, Philippines hôm 15/12. Trump cáo buộc Trung Quốc đã "ăn cắp" thiết bị này dù Bắc Kinh nói đó là hành động hợp pháp.
Năm ngày sau đó, Bắc Kinh trả lại thiết bị cho Mỹ. Tuy nhiên, sự yên ắng tạm thời này ở Biển Đông có thể lung lay sau khi Trump nhậm chức vào ngày 20/1 tới.
Trump gọi việc Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn không người lái của Mỹ là hành động "ăn cắp". Ảnh: Reuters |
Giáo sư Shi Yinhong, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho biết, Mỹ và Trung Quốc có nhiều động cơ để xảy ra xung đột trong khu vực và "sự cạnh tranh chỉ mới bắt đầu".
Theo Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio, đối thủ từng bị Trump đánh bại và cũng là người vốn kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân và thực thể vốn hỗ trợ việc Trung Quốc tôn tạo và bồi đắp các đảo nhân tạo và các cơ sở khác ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, tổng thống đắc cử sẽ có rất nhiều công cụ để gây sức ép với Trung Quốc, khiến Bắc Kinh phải nghe theo. Sự tăng cường các hoạt động "tự do hàng hải" của Mỹ là gần như chắc chắn.
Trong khi đó, theo giới quan sát, một khả năng khác là việc tàu chiến Mỹ có thể tiến hành các hành động quân sự vốn được phép ở vùng lãnh hải quốc tế này – thuộc phạm vi 12 hải lý của các đảo đá do Trung Quốc kiểm soát ở quần đảo Trường Sa mà phán quyết của Tòa trọng tài hồi tháng 7 đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo đá này.
Hệ thống THAAD
Theo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng, Trump cũng có thể sử dụng vấn đề THAAD (hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ dự kiến sẽ được triển khai tại Hàn Quốc cuối 2017) và các mối quan hệ quân sự trong khu vực như là một lá bài buộc Trung Quốc phải nhượng bộ.
Bắc Kinh đã nhiều lần cảnh báo Mỹ về việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc vì cho rằng nó đặt ra mối đe dọa an ninh quốc gia của Trung Quốc do radar của hệ thống này có thể theo dõi các hoạt động quân sự quan trọng của Trung Quốc.
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD có thể là "quân bài" mà ông Trump đối phó với Trung Quốc. Ảnh: Getty Images |
Theo giáo sư Nicholas Burns, chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế và ngoại giao tại Trường Quản lý Nhà nước Kennedy, thuộc Đại học Harvard, hệ thống phòng thủ tên lửa là một phần đối trọng của Mỹ khi ứng phó với Trung Quốc, nước vốn không ngừng phản đối việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc.
Biện pháp thuế quan và cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ
Trong chiến dịch tranh cử của mình, Trump nhiều lần tố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ và sẽ tăng thuế 45% đối với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Tổng thống đắc cử Mỹ cáo buộc Trung Quốc cố tình giám giá trị đồng tiền để tạo cho sản phẩm Trung Quốc một lợi thế không công bằng.
Trump cũng chọn một nhà phê bình gay gắt Trung Quốc Peter Navarro, người nổi tiếng với cuốn sách "Cái chết bởi Trung Quốc" làm Giám đốc Hội đồng thương mại quốc gia Nhà Trắng.
Trump nhiều lần tố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ và sẽ tăng thuế 45% đối với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc. |
Tổng thống Mỹ có quyền lực khá rộng về thương mại, thậm chí không cần sự chấp thuận của quốc hội, bao gồm cả sức mạnh để đối phó với "cán cân thanh toán thâm hụt lớn và nghiêm trọng của Mỹ" bằng cách áp đặt phụ thu nhập khẩu tạm thời không vượt quá 15% trong vòng 150 ngày.
Bài viết của Bưu điện Hoa nam Buổi sáng cũng đưa ra một số con bài khác mà Trump có thể sử dụng như vấn đề an ninh mạng; vấn đề sở hữu trí tuệ; và cuối cùng là vấn đề dân tộc thiểu số, chủ nghĩa ly khai khu vực và nhân quyền, vốn là những điều mà Trump đã không đề cập nhiều trong chiến dịch tranh cử của mình.
[mecloud]D8vZGn3aEP[/mecloud]
Lê Huyền (South China Morning Post)