Bộ Quốc phòng Philippines hôm 24/6 cho biết, cuộc tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông phản ánh kế hoạch quân sự hóa tại những khu vực mà Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp.
Tin tức trên tờ Philstar cho biết, trong đoạn video dài hơn 1 phút được đăng tải trên Youtubehôm 20/6 cho thấy, 20 tàu chiến Trung Quốc đã tiến hành tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông, vùng biển từ lâu đã xảy ra tranh chấp chủ quyền trong khu vực.
Kênh Russia Today của Nga sau đó đã đăng lại đoạn vide này. Trong video là hình ảnh tàu Trung Quốc nhanh chóng bắn tên lửa vào những mục tiêu không xác định trong khi các máy bay trực thăng lượn trên không ở vùng biển tranh chấp. Đoạn băng còn có các cảnh máy bay chiến đấu Trung Quốc bay lượn và hệ thống súng lắp đặt trên tàu chiến.
Hiện vẫn chưa thể xác định thời điểm Trung Quốc tiến hành tập trận hải quân. Song đoạn video trên được đăng tải 2 ngày trước khi Philippines tiến hành tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản ngoài khơi Palawan, tỉnh gần khu vực tranh chấp nhất ở Biển Đông.
Tàu chiến Trung Quốc tập trận bắn đạn thật (Ảnh minh họa). |
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez nhận định, những thông tin về cuộc tập trận trên cho thấy Trung Quốc “đã sắp đặt sự hiện diện trái phép và gây hấn”.
“Điều này đi ngược lại tuyên bố của Trung Quốc là ủng hộ biện pháp phi quân sự, hòa bình trong việc sử dụng các khu vực tranh chấp... Họ không ngừng nói dối và mâu thuẫn với chính mình”, ông nhấn mạnh.
Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động xây dựng ở ít nhất 7 bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy, Trung Quốc có vẻ đang xây dựng những cơ sở quân sự trên các bãi ngầm gồm cả đường băng và hệ thống radar cảnh báo.
Các dự án xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị Philippines và nhiều nước khác lên án vì ảnh hưởng tới ổn định khu vực cũng như tự do hàng hải.
Philippines khẳng định, hành động của Trung Quốc đã vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 trong đó nghiêm cấm những hành động làm thay đổi nguyên trạng ở khu vực tranh chấp.
Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc vẫn ngang nhiên bao biện rằng, việc cải tạo bãi đá là nhằm mục đích khoa học, tìm kiếm, cứu hộ và bảo vệ môi trường. Bắc Kinh cũng luôn lặp lại luận điệu cũ rích rằng họ có chủ quyền "không thể tranh cãi" trên các rặng san hô.
Yên Yên (Philstar)