Bất chấp phản đối từ phía Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews ngày 31/5 tuyên bố sẽ tiếp tục điều máy bay quân sự tuần tra trên vùng tranh chấp ở Biển Đông.
Theo tin tức từ Wall Street Jounal, trả lời bên lề Đối thoại Shangri-La ngày 31/5, Bộ trưởng Kevin Andrews cho biết, Canberra đã điều máy bay tầm xa tuần tra trên Biển Đông và sẽ tiếp tục làm vậy, bất chấp Trung Quốc có thể sẽ phản đối.
"Chúng tôi đã tiến hành tuần tra trên Biển Đông và Ấn Độ Dương trong nhiều thập niên qua và sẽ tiếp tục tuần tra trong tương lai", WSJ dẫn lời ông Andrew.
"Sẽ không có bất kỳ sự thay đổi nào với hoạt động đó. Đó là một hoạt động đã diễn ra từ lâu và tất cả các nước trong khu vực đều biết đến", ông nói thêm.
Theo Sydney Morning Herald, trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-la, ông Andrews đã cảnh báo các nước trong khu vực sẽ có phản ứng nếu Bắc Kinh vẫn tiếp tục có những biểu hiện quyết liệt để hiện thực hóa yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews khẳng định nước này sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông. |
"Khi ra quyết định, các quốc gia và lãnh đạo phải luôn cảnh giác với những hậu quả của những hành động cụ thể, và nguy cơ những hành động này dẫn đến leo thang và tính toán sai lầm", ông nói.
"Australia kêu gọi các bên kiềm chế, ngăn chặn hoạt động khai hoang và hành động khiêu khích. Các tranh chấp phải được giải quyết theo cách hòa bình", người đứng đầu Bộ Quốc phòng Australia nói.
Ông Andrews nhắc lại rằng, Australia phản đối mọi nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông hay bất kỳ động thái nào khác dẫn tới sự căng thẳng trong khu vực.
SMH đánh giá Bộ trưởng Andrews đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ nhất từ trước đến nay rằng Australia đang chuẩn bị tham gia cùng Mỹ và các nước khác để kìm hãm việc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.
Kể từ năm 2014, các chỉ huy của Hải quân Mỹ và lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ ở Thái Bình Dương hối thúc Australia, đồng minh thân cận của nước này, cân nhắc tham gia tuần tra hải quân đa phương ở Biển Đông cùng Nhật Bản nhằm giúp đảm bảo chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á.
Chiếu đấu cơ Boeing F/A-18F của Australia. |
Áp lực tiến hành tuần tra Biển Đông gia tăng khi Trung Quốc tăng cường hoạt động xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm bành trướng quân sự và củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý nuốt gần trọn Biển Đông. Động thái này của Trung Quốc khiến Mỹ và các nước láng giềng lo ngại, theo nhận định của Wall Street Journal.
Tuy nhiên Bộ trưởng Andrews cho biết người đồng nhiệm Mỹ chưa trực tiếp đề nghị vấn đề này với ông.
"Mỹ chưa bàn với chúng tôi về điều này. Ở giai đoạn này, chưa có yêu cầu nào từ Mỹ về vấn đề đó", ông nói.
Hải quân Trung Quốc hai tuần trước đã 8 lần xua đuổi máy bay trinh sát Mỹ tuần tra trên các đảo nhân tạo. Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc hôm 31/5 lại nêu khả năng thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 30/5 đã tuyên bố sáng kiến “An ninh biển Đông Nam Á” trị giá 425 triệu USD nhằm hỗ trợ hải quân các nước trong khu vực nâng cao năng lực. Lầu Năm Góc cho biết sẽ sát cánh cùng đồng minh và đối tác trước những biến động tại Biển Đông.
Yên Yên (Wall Street Jounal)