Thế nhưng anh không đừng lại, không thể. Người công nhân nhập cư 26 tuổi đã ở giữa Ấn Độ và mới chỉ đi được nửa đường về nhà. Khi Ấn Độ tuyên bố phong tỏa toàn quốc vào ngày 24/3 để ngăn Covid-19 lây lan. Mặc dù khi ấy số ca nhiễm mới chưa quá 450, các thành phố lớn của nước này đều đã đóng cửa. Khoảng 100 triệu người Ấn Độ ở nông thôn tới các thành phố để làm việc. Qua một đêm, nhiều người như Chouhan đã mắc kẹt mà không có việc làm, thức ăn hay tiền tiết kiệm. Không có cách nào để tồn tại trong những thành phố, mạng lưới đường sắt gần như ngừng hoạt động, nhiều người đã quyết định đi bộ hàng ngàn cây số để về nhà.
Những người nhập cư chờ xe buýt đề rời thành phố, trở về nhà khi lệnh phong tỏa Covid-19 có hiệu lực. Ảnh: CNN
Nhưng có nhiều người đã không thể đến đích. Trong một vụ tai nạn, 16 người lao động đã bị một đoàn tàu chở hàng cán chết khi họ ngủ trên đường ray. Các vụ tai nạn bên đường đã cướp đi sinh mạng của những người khác. Một số thì chết vì kiệt sức, mất nước hoặc đói. Những người bị cảnh sát bắt gặp thường được đưa trở lại thành phố nơi họ rời đi.
Chouhan biết những rủi ro kia. Nhưng ngày 12/5, anh quyết định bất chấp luật phong tỏa nghiêm ngặt và bắt đầu đi bộ 1.250 dặm (hơn 2.000 km) từ trung tâm công nghệ Bengaluru (trước đây gọi là Bangalore) về làng của mình ở bang Uttar phía bắc.
Anh hy vọng mình sẽ được quá giang trong suốt chặng đường nhưng cảnh sát đã kiểm tra các xe tải để tìm người đi lậu vé và tài xế cũng đòi phí vượt quá khả năng của Chouhan. Trong 10 ngày, anh đã phải né các chốt kiểm tra của cảnh sát và sống sót nhờ trà và bánh quy, đi bộ trên đôi chân đau nhức. "Tôi không nghĩ mình có thể quên hành trình này suốt cuộc đời. Nó sẽ luôn mang theo những ký ức buồn và lo lắng", anh nói.
Chouhan tới Bengaluru vào tháng 12 năm ngoái để làm thợ xây tại một công trường. Tại quê nhà Tribhuvan Nagar, giáp biên giới Nepal, anh có thể kiếm được 250 rupee mỗi ngày (hơn 77.000 đồng) nhưng tại Bengaluru, anh có thể kiếm gấp đôi. Hai anh em Chouhan đã gửi về nhà khoảng 14.000 rupee mỗi tháng (hơn 4,3 triệu đồng) để nuôi gia đình gồm 11 người gồm 2 đứa con Chouhan, bố mẹ già đang sống trong ngôi nhà lợp tranh nằm giữa đồng lúa mì. Cháu trai của Chouhan là Arvind Thakur đã gia nhập thành phố khi tròn 14 tuổi, độ tuổi lao động hợp pháp tại Ấn Độ.
Ngày 3/5, dịch vụ đường sắt hoạt động trở lại, cho phép việc đi lại giữa các bang tại Ấn Độ, nhưng phải tuân theo những quy trình phê duyệt gắt gao. Người di cư phải tới đăng ký tại đồn cảnh sát. Đến ngày 5/5 có hơn 214.000 người đăng ký rời bang Karnataka nhưng chỉ có 10.000 người có được vé tàu. Bình thường, Chouhan chỉ trả 300 rupee (hơn 92.000 đồng) mua vé tàu hạng thấp nhất nhưng trong đại dịch, giá tăng vọt lên đến 1.200 rupee (khoảng 370.000 đồng).
Cảnh sát tại Bangalore đã dùng dùi cui để giải tỏa đám đông khi việc bán vé tàu kết thúc. "Chúng tôi bị đánh nhiều lần. Chỉ vì chúng tôi nghèo, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi không biết đau", Chouhan nói. Sau 5 ngày ở bên ngoài đồn cảnh sát để cố lấy vé, Chouhan và những người cùng làng quyết định đi bộ. Họ đã không dám nói với gia đình mình. "Bố tôi bị tiểu đường nặng. Nếu bố mẹ mà biết chúng tôi đang đi bộ về nhà vì không có tiền, điều đó không tốt cho ông", Chouhan nói. "Họ sẽ khóc cho tới khi chúng tôi trở về. Tất cả chúng tôi quyết định nói với gia đình là chúng tôi đang chờ tàu".
Chouhan gói 4 chiếc áo sơ mi, một cái khăn, một tấm ga trải giường trong ba lô cùng vài chai nước. Trong ví anh còn đúng 170 rupee (hơn 50.000 đồng). 3h sáng ngày 12/5, Chouhan rời khỏi căn phòng thuê chung với 10 người khác và bắt dầu hành trình về nhà.
Sau 46 giờ, họ vượt qua ải đầu tiên trong biên giới 5 bang. Họ đã đi được 120 km. Nhóm 11 người của Chouhan có 9 Smartphone. Họ dùng Google Maps để tìm đường. Để tiết kiệm pin, chỉ một nwgoiwf bật điện thoại và họ thay phiên nhau chia sẻ GPS. Trên đường, có một vài điểm họ có thể sạc điện thoại.
Khi nhiệt độ quá 40 độ C, Chouhan đi khoảng 8km/giờ, cứ 2 tiếng lại nghỉ ngơi. Anh đặt mục tiêu hoàn thành 110km/ngày. Trên đường đi, họ gặp những nhóm người di cư khác đang đổ về các bang miền tây nghèo khó như Odisha, Chhattisgarh, Tây Bengal, Bihar và Uttar. Đây là nơi cung cấp một lực lượng lao động lớn cho các thành phố của Ấn Độ.
Sang đến ngày thứ 3, cả nhóm không còn nổi một bữa ăn đầy đủ kể từ khi họ rời Bengaluru. Mỗi người bắt đầu hành trình với số tiền ít ỏi từ 150-300 rupee (hơn 45.000-90.000 đồng). Họ mua 20 cái bánh quy giá 100 rupee (hơn 30.000 đồng) và chia nhau ăn trong ngày. "Chúng tôi phải tiết kiệm từng rupee phòng khi cần thiết trong suốt hành trình".
Nhóm người đi bộ qua rừng, băng qua các cánh đồng để tránh cảnh sát. Ảnh: CNN
Khi sắp đến Hyderabad, Chouhan đi bộ suốt đêm. Nhưng khi tới thị trấn Kurnool vào khoảng 10h sáng ngày thứ tư, họ phát hiện trạm kiểm soát ở ngay cây cầu bắc qua sông. Cuối cùng, nhóm Chouhan quyết định bơi qua sông. Mùa hè nắng nóng, sông chỉ sâu khoảng 1m. Chouhan để túi lên đầu, người đàn ông cao nhất nhóm cõng đứa bé 14 tuổi và cả nhóm vượt sông. "Chúng tôi rất sợ bị cuốn trôi, nhưng tự nhủ rằng đây là con đường duy nhất về nhà. Đoạn đường dài 100m này có lẽ là đáng sợ nhất trong hành trình này".
Lên đến đường cao tốc, một tài xế xe tải đòi 2.500 rupee mỗi người để đưa họ đến bang Uttar. Họ không còn lựa chọn nào khác là đi bộ. Dọc đường, họ cũng gặp những người tốt bụng. Một ông già đã mời họ ăn một bữa đầy đủ đầu tiên sau 4 ngày, một tài xế chở gạo cũng cho họ đi nhờ một đoạn.
Sang đến ngày thứ 5 của cuộc hành trình, cả nhóm có một nỗi sợ mới. Cháu trai của Rajesh, Arvind Thakur bị sốt. Sau khi được cho uống thuốc thì cậu bé đã đỡ hơn. Trên đường cao tốc, người ta quan tâm đến đói, khát, sự kiệt sức và đau đớn hơn là đại dịch.
Sang đến ngày thứ 6, Chouhan băng qua biên giới bang Maharasthra-Madhya. Tại Madhya, máy kéo, xe tải và xe buýt đã giúp cả nhóm đi vào ban ngày. Họ được dân làng cho thức ăn và thậm chí có cả một xe bồn chở nước để tắm.
2 ngày sau, họ đến biên giới bang quê nhà, Uttar Pradesh. Giờ đây, họ còn cách nhà 350km nữa. "Chúng tôi đã quên hết đau đớn. Cảm giác như chúng tôi đã về đến nhà", Chouhan nói.
Khi chỉ còn cách nhà 128km, Chouhan đã mua bữa ăn đầu tiên kể từ khi cuộc hành trình bắt đầu và gọi về nhà. "Chúng tôi thông báo với họ là đã đi tàu đến Uttar Pradesh và sẽ về nhà trong một ngày". Nhưng càng gần nhà, Chouhan càng mệt mỏi. Đến ngày thứ 10, khi cách làng 30km nữa, cơ thể Thakur không thể chịu nổi nữa. Cậu bé ngã sấp xuống đường. Cả nhóm đã vẩy nước lên mặt cho thằng bé tỉnh lại. Sau đó, khi chỉ còn cách nhà hơn 3km, họ đã gặp cảnh sát và bị đưa đi cách ly. Cuối cùng thì họ đã về nhà.
Chouhan nói anh đã sụt 10kg trong suốt hành trình. Đôi chân sưng phồng vì đi bộ quá nhiều. Do việc kiểm dịch ở Uttar kém nên đến ngày 24/5, Chouhan đã được gặp gia đình. Những đứa con lao về phía anh . Họ ôm nhau thật chặt, Chouhan đã quên đi nỗi đau của mình.