Tin mới

Quốc gia duy nhất không có thủ đô và thành phố, hơn 94% dân số mắc bệnh béo phì

Thứ hai, 29/06/2020, 11:30 (GMT+7)

Quốc đảo Nauru vô cùng đặc biệt ở Thái Bình Dương từng khiến cả thế giới phải chú ý vì không có cả thủ đô lẫn thành phố và dân số cũng ở mức thấp nhất thế giới

Nauru là một quốc đảo nhỏ bé nằm ở Đông Bắc Papua New Guinea. Dù mang tiếng là một quốc gia nhưng nước này lại có diện tích bé thứ 3 thế giới sau Tòa thánh Vatican và Công quốc Monaco. Đây cũng là nước nhỏ nhất Nam Thái Bình Dương, quốc gia nhỏ nhất ngoài lãnh thổ Châu Âu, quốc đảo nhỏ nhất thế giới với diện tích chỉ 21 km2. Để so sánh, thủ đô Hà Nội của Việt Nam có diện tích tới 3.329 km2.

Đất nước Nauru đầy xinh đẹp. Ảnh: Internet

Diện tích nhỏ bé, Nauru cũng là một trong số những quốc gia có dân số thấp nhất với chỉ khoảng hơn 10.000 người. Trải qua nhiều biến động lịch sử, Nauru tuyên bố độc lập vào năm 1968. Quốc gia này không hề có thủ đô chính thức và thậm chí không có thành phố.

Đảo quốc Nauru nhỏ đến mức đường băng của sân bay trải dài gần hết chiều ngang lãnh thổ. Sự hạn chế trong chiến lược phát triển du lịch khiến nơi này hiếm khi đón các chuyến bay đến. Người Micronesian và Polynesia đã sống ở Nauru ít nhất 3.000 năm trước. Đất nước có 12 thị tộc, được thể hiện bằng số ngôi sao trên lá cờ.

Sân bay Nauru trải dài gần hết chiều ngang của quốc đảo. Ảnh: Internet

Từ quốc gia có GDP hàng đầu thế giới...

Trước khi giành độc lập vào năm 1968, quốc đảo này chủ yếu sống bằng nghề cá và trồng trọt. Người dân bản địa Nauru thời đó khá thon gọn vì thực phẩm chỉ gồm cá, rau củ quả cùng với chế độ lao động khá vất vả.

Sau khi giành độc lập, Nauru nhanh chóng thu hút sự đầu tư nước ngoài nhờ những mỏ Phosphate lộ thiên, dễ khai thác. Chính nhờ mảng khai khoáng mà nền kinh tế Nauru bùng nổ, người dân sống sướng hơn mà không phải đánh cá hay trồng trọt, hái lượm nữa. Lối sống của Phương Tây cũng lan rộng tại đây khiến người bản địa ngày càng lười biếng và thích đồ ăn nhanh.

Đảo quốc Nauru có trữ lượng phốt pho khổng lồ giúp nền kinh tế của nước này bùng nổ. Ảnh: Internet

Nhờ làn sóng đầu tư bùng nổ, Nauru trở thành quốc gia có GDP bình quân đầu người cao thứ 2 trên thế giới. Nguồn lợi kiếm được từ khai khoáng, Nauru cho xây sân bay, thậm chí còn mua 7 chiếc máy bay để phục vụ giao thông, du lịch.

Chẳng có mấy ai quan tâm đến việc đầu tư có sinh lời hay không. Tiền USD thậm chí còn được dùng làm giấy vệ sinh. Cuộc sống khi đó cứ như là bữa tiệc mọi ngày vậy", một cựu tổng thống giấu tên của Nauru nhớ lại.

Năm 1975, Nauru kiếm được 2,5 tỷ USD, giúp cư dân có thu nhập bình quân cao nhất thế giới. Ảnh: Internet

Cho đến bi kịch phá sản, phải "ăn bám"

Khi nguồn tài nguyên cạn kiệt và các nhà đầu tư rút vốn, Nauru bị bỏ lại với tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề và không có nguồn thu nhập chính nào nữa. Mảng đánh bắt cá và nông nghiệp đã bị bỏ hoang và ô nhiễm, trong khi người dân lại quá quen với cuộc sống hưởng thụ.

Nauru bị phá sản khi không thanh toán nổi những khoản vay quốc tế. Chính quyền không có tiền chi trả cho các dịch vụ công. Nauru là quốc gia không thu thuế, hay chính xác hơn là chẳng có mấy công ty còn ở lại mà thu, nên ngân sách nước này trống rỗng.

Nghề đánh cá truyền t hốngcủa người dân trên đảo cũng bị mai một. Ảnh: Internet

Quốc đảo này cũng chẳng còn xuất khẩu gì mấy sau khi các mỏ khai thác Phosphate cạn kiệt nên người dân "béo phì" tại đây đang phải vật lộn với cuộc sống để mưu sinh. Khoảng 99% đất đai tại Nauru bị ô nhiễm bởi Phosphate nên họ không còn khả năng trồng trọt.

Cho đến thời điển hiện tại, vẫn chưa quốc gia nào phá vỡ kỷ lục béo phì của Nauru. Theo The Richest, quốc đảo Nauru là nơi có dân số thừa cân nhiều nhất trên Trái Đất. Năm 2018, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê gần 94,5% dân nước này mắc chứng béo phì.

Gần 94,5% dân nước này mắc chứng béo phì. Ảnh: Internet

Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng người dân đã quá quen với cuộc sống ỷ lại. Thay vì tìm đường phát triển kinh tế, họ phó mặc số phận cho viện trợ quốc tế cũng như tìm kiếm nguồn thực phẩm nhập khẩu rẻ tiền, vốn chứa rất nhiều chất béo và đường như dinh dưỡng thấp, từ Australia hay New Zealand.

Nhằm giải quyết vấn đề, chính phủ Nauru đang khuyến khích người dân vận động. Sân bay vốn được xây dựng cho du lịch tại Nauru giờ đây trở thành không gian đi bộ cho cư dân bản địa, vốn đã quá nặng nề sau nhiều năm sống hưởng thụ và đang phải ăn những thực phẩm giàu béo, ít dinh dưỡng rẻ tiền từ Australia.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news