Tin mới

Sốc: Khu vực tranh chấp ở Biển Đông ít có dầu khí

Thứ năm, 15/05/2014, 09:07 (GMT+7)

Theo Cơ quan Năng\nlượng Mỹ (EIA), các khu vực tranh chấp ở Biển Đông ít có dầu khí và thậm chí\nquần đảo Hoàng Sa hoàn toàn không có dầu mỏ.

Theo Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA), các khu vực tranh chấp ở Biển Đông ít có dầu khí và thậm chí quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn không có dầu mỏ.

 

 

Quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa là hai trong số các khu vực tranh chấp nhất. Tuy nhiên, theo EIA, không giống như các bộ phận khác của Biển Đông, hai khu vực này lại không có trữ lượng lớn về tài nguyên dầu khí. Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, sở hữu các đảo có người sinh sống (và có đời sống kinh tế riêng biệt) có thể mở rộng khả năng tiếp cận độc quyền của một quốc gia đối với các nguồn năng lượng xung quanh đảo.

Phân tích của EIA cho thấy hầu hết các khu vực chứa dầu khí đã được phát hiện là các khu vực không có tranh chấp và ở gần bờ của các quốc gia ven biển. Nguồn tin công nghiệp cho thấy hầu như không có dầu và chưa đầy 100 tỷ feet khối (4 tỷ m3) khí đốt tự nhiên ở các khu vực gần quần đảo Trường Sa. Thậm chí, quần đảo Hoàng Sa chỉ có một ít khi đốt tự nhiên và hoàn toàn không có dầu mỏ.

Bản đồ phân bổ trữ lượng dầu khí Biển Đông của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA).

Theo ước tính, Biển Đông có khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối (7 nghìn tỷ m3) khí đốt tự nhiên. Con số này tương đương với trữ lượng dầu của Mexico và bằng 2/3 trữ lượng khí đốt của Châu Âu, không kể Nga.

Trong năm 2012, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ước tính có khoảng 12 tỷ thùng dầu và 160 nghìn tỉ feet khối (gần 6 nghìn tỷ m3) khí đốt tự nhiên chưa được khám phá ở Vịnh Thái Lan và các khu vực lân cận. Khoảng 1/5 nguồn tài nguyên dầu khí có thể được tìm thấy trong khu vực tranh chấp, đặc biệt là ở khu vực Reed Bank ở cuối quần đảo Trường Sa.

EIA dự báo sản xuất dầu mỏ ở khu vực Đông Nam Á sẽ chững lại hoặc giảm sút trong những năm tới và nguồn khi đốt ở Biển Đông có thể đáp ứng một phần quan trọng của nhu cầu năng lượng trong tương lai.

Nếu dự báo của EIA là chính xác, người ta tự hỏi vì sao Trung Quốc lại “cố sống, cố chết” đưa giàn khoan nước sâu Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981) đến khu vực ít tiềm năng dầu khí gần quần đảo Hoàng Sa và nằm trên thềm lục địa Việt Nam – bất chấp chi phí vận hành-bảo vệ vô cùng tốn kém cũng như vấp phải phản ứng dữ dội của Việt Nam và sự lên án của cộng đồng quốc tế?

Câu trả lời: đây là bước thăm dò đầu tiên trong mưu đồ “độc chiếm Biển Đông”. Nếu bước đầu tiên này không bị ngăn chặn, một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ ngang nhiên tiến hành khoan thăm dò và khai thác (với sự tháp tùng của tàu chiến) ở những khu vực không có tranh chấp và gần bờ của các nước ven Biển Đông – với mưu đồ thay đổi hiện trạng “ biến không có tranh chấp thành tranh chấp và biến cái của người khác thành của mình”.

Theo ĐSPL

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news