Một chuyên gia Nga cho rằng, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải Giám đốc FBI James Comey là vì muốn kiểm soát hoàn toàn cơ quan này trong bối cảnh ngày càng chịu nhiều áp lực từ các đảng.
Trong bài bình luận đăng tải trên RIA Novosti, chuyên gia Ivan Danilov cho rằng, vì việc sa thải Giám đốc FBI diễn ra trùng thời điểm với chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tới Mỹ nên một số người cho rằng ông Comey đã trở thành "vật hy sinh" cho mục đích bình thường hóa quan hệ Nga - Mỹ.
Họ lưu ý rằng ông Comey bị sa thải vì ông là người đang tiến hành điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ cũng như mối quan hệ đáng ngờ của ông Trump với Moscow.
Tuy nhiên, theo ông Danilov, việc sa thải Comey không liên quan gì đến cuộc điều tra những cáo buộc về Nga, đặc biệt khi đến nay vẫn chưa có bằng chứng đáng tin cậy nào được đưa ra để khẳng định sự can thiệp của Nga.
Theo chuyên gia này, điểm mấu chốt của việc sa thải người đứng đầu Cục Điều tra liên bang Mỹ là bởi Trump cần duy trì quyền kiểm soát ít nhất một cơ quan tình báo của Mỹ.
Chuyên gia Nga cho rằng Trump sa thải ông James Comey là vì muốn kiểm soát ít nhất một cơ quan tình báo của Nga. Ảnh: AP |
Chuyên gia này dẫn nguồn tin từ tờ Guardian của Anh nói rằng, thực tế, không giống như người đứng đầu, những nhân viên FBI khác hoàn toàn ủng hộ Trump, thậm chí họ còn phá hoại những nỗ lực của cuộc điều tra "dấu vết Nga" trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
"FBI là 'vùng đất của Trump'", một đặc vụ FBI nói với truyền thông hồi tháng 11/2016.
Sau khi bổ nhiệm một giám đốc FBI mới, tổng thống Mỹ có thể sẽ kiểm soát được toàn bộ cơ quan này.
Hiện tại, Reuters cho hay, Trump đang xem xét danh sách 11 người có thể thay thế James Comey, trong đó có quyền Giám đốc FBI Andrew McCabe, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Cornyn, Thẩm phán Tòa án phúc thẩm New York Michael Garcia, cựu trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Alice Fisher. Một cuộc phỏng vấn sẽ diễn ra vào thứ 7 tới để chọn ra người thay thế James Comey.
Thế nhưng theo chuyên gia Danilov, đó mới chỉ là một nửa câu chuyện. Gần đây có thông tin cho rằng Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, Trung tướng HR McMaster, đã làm phật ý Trump.
"Bên trong Nhà Trắng, các đối thủ của Trung tướng HR McMaster, Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Trump, muốn ông phải ra đi", cộng tác viên của tạp chí Foreign Policy cho biết hôm 9/5.
Liệu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, Trung tướng HR McMaster có phải là người tiếp theo phải ra đi? Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, Eli Lake của tờ Bloomberg cũng đã phát hiện ra tranh cãi giữa Trump và cố vấn an ninh quốc gia.
"Các đồng minh và đối thủ của McMaster trong Nhà Trắng nói với tôi rằng ông ấy đã khiến Trump 'vỡ mộng'. Quan chức quân đội này đã không thể đọc được ý nghĩ của Trump khi không tạo cho ngài tổng thống một cơ hội để đưa ra câu hỏi trong suốt các cuộc họp, thậm chí còn không hề nhắc đến Trump", Lake cho biết.
Theo Danilov, dường như lập trường Chính sách đối ngoại cứng rắn của McMaster trong các vấn đề Syria, Triều Tiên, Afghanistan và Moscow đã không hoàn toàn tuân thủ kế hoạch của Trump.
Có lẽ, tuyên bố của McMaster rằng lời đe dọa của Trump để khiến Hàn Quốc phải trả tiền cho hệ thống phòng thủ tên lửa mới không phải chính sách chính thức của Washington đã khiến tổng thống phật ý.
"Trump đã hét lên trên điện thoại với McMaster, cáo buộc ông McMaster đang ngăn chặn những nỗ lực khiến Seoul phải trả chi phí", Lake dẫn nguồn tin từ các quan chức Nhà Trắng cho biết.
Trump đang phải chịu rất nhiều áp lực, và đó có thể là nguyên nhân ông muốn "thanh lọc hoàn toàn" Nhà Trắng. Ảnh: AP |
Danilov tin rằng khởi đầu cho cuộc "cải cách" của Trump bắt nguồn từ việc Cục Dự trữ liên bang quyết định tăng lãi suất cơ bản. Hồi tháng 2/2017, Shawn Tully của tờ Fortune đã cảnh báo rằng việc tăng lãi suất sẽ "đe dọa cam kết của tổng thống đưa mức tăng trưởng kinh tế Mỹ lên thời kỳ đỉnh cao chưa từng thấy kể từ cuộc suy thoái kinh tế".
"Tổng thống Mỹ, cũng như các nhà tài trợ cho chiến dịch tranh cử và các quan chức bên cạnh ông, có thể đã đi đến kết luận rằng họ đang bị đẩy vào một kịch bản thảm khốc cần phải bị 'sụp đổ' nhanh chóng", Danilov nhận định.
Theo kịch bản này, các đảng chính trị sẽ đặt trách nhiệm lên Trump về cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính tiềm tàng ở Mỹ, cũng như các cuộc chiến tranh không được hoan nghênh, bao gồm Syria, Iraq, Triều Tiên, và thậm chí có thể là Afghanistan.
"Rõ ràng, nếu kịch bản này trở thành hiện thực, sẽ không có nhiệm kỳ thứ hai cho Trump, và bà Hillary Clinton hoặc ứng viên khác của đảng nào đó sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo".
Do đó, để giải quyết vấn đề này, Trump cần "thanh lọc hoàn toàn" Nhà Trắng, chuyên gia Nga kết luận.
[mecloud]F0KiEpSNwA[/mecloud]
Lê Huyền (Sputnik)