Tin mới

Tại sao Thành Cát Tư Hãn không sợ bị ám sát sau khi cướp vợ và con gái của kẻ thù làm thê thiếp?

Thứ hai, 09/10/2023, 13:33 (GMT+7)

Trong số hàng trăm thê thiếp của Thành Cát Tư Hãn phần lớn họ đều là vợ và con gái của kẻ thù ông. Dù vậy, Thành Cát Tư Hãn lại không hề sợ bị những người này ám sát. Lý do đằng sau khiến nhiều người tò mò.

Thành Cát Tư Hãn là một Khả Hãn Mông Cổ và là người sáng lập ra đế quốc Mông Cổ sau khi hợp nhất các bộ lạc độc lập ở vùng Đông Bắc Á năm 1206. Thành Cát Tư Hãn cũng là một trong những nhà quân sự lỗi lạc và có ảnh hưởng nhất lịch sử thế giới. Cháu nội ông - Hốt Tất Liệt chính là người lập ra nhà Nguyên của Trung Hoa. Thành Cát Tư Hãn được cháu nội truy tôn là Thái Tổ hay còn được gọi là Nguyên Thái Tổ.

Trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, Tào Tháo được biết đến là người có sở thích lấy vợ kẻ thù về làm vợ của mình. Tào Tháo có một câu nói rất nổi tiếng là: Mĩ nhân trong thiên hạ đều tầm thường với ta, duy chỉ có vợ của kẻ thù là làm ta thích thú. Thành Cát Tư Hãn cũng như vậy, ông có sở thích lấy vợ, con gái kẻ thù về làm thê thiếp. 

Thành Cát Tư Hãn. Ảnh Internet.
Thành Cát Tư Hãn. Ảnh Internet.

Theo thống kê, cả đời Thành Cát Tư Hãn chính thức cưới 44 người vợ, có hàng trăm thê thiếp khác nhưng hầu hết những thê thiếp này đều được cướp từ tay kẻ thù - những kẻ bại trận dưới tay Thành Cát Tư Hãn.

Việc Thành Cát Tư Hãn có hơn 300 thê thiếp là vợ, con gái của kẻ thù khiến nhiều người tò mò tại sao ông không lo lắng việc bị những người này ám sát để trả thù. Lý do đằng sau vấn đề này không hề khó hiểu mà ngược lại rất thực tế với bối cảnh thời phong kiến lúc bấy giờ.

Theo Sohu.com, phụ nữ thời phong kiến xưa vốn có địa vị xã hội thấp và thường bị coi là chiến lợi phẩm trong chiến tranh dành cho kẻ chiến thắng. Đơn cử như thời Tam quốc, khi Viên Thiệu bại trận, con dâu của ông là Chân Mật bị Tào Phi - con trai Tào Tháo bắt đi và cướp làm vợ. Sau khi đánh bại Viên Thuật, Tôn Quyền cũng lấy con gái ông làm vợ. Trước sự trỗi dậy của Đế quốc Mông Cổ, việc “cướp vợ” được coi là một điều hiển nhiên, thậm chí còn trở thành "xu hướng" của thời kỳ đó. 

Phụ nữ trở thành 'vật phẩm' cống nạp trong chiến tranh. Ảnh Internet.
Phụ nữ trở thành "vật phẩm" cống nạp trong chiến tranh. Ảnh Internet.

Trong mắt họ, có thể cướp vợ của người khác điều đó khẳng định rằng người đàn ông đó là người có tài, có thực lực, càng cướp được nhiều phụ nữ thì càng chứng minh đó là người giỏi chiến đấu, có tài thao lược, bất khả xâm phạm. 

Ở Mông Cổ lúc bấy giờ, số lượng người trong mỗi bộ tộc không nhiều, việc kết hôn cận huyết xảy ra liên tục trong nhiều năm liên tiếp, điều này gây ảnh hưởng đến ngoại hình và trí tuệ của một đứa trẻ. Do đó, Mông Cổ bắt đầu khuyến khích đàn ông trưởng thành cướp phụ nữ từ các bộ tộc khác để tránh hôn nhân cận huyết. Tờ Sohu cho rằng, cách làm này khá tàn nhẫn nhưng đây được cho là giải pháp tối ưu nhất ở Mông Cổ lúc bấy giờ. Với cách làm này, những người phụ nữ vốn có địa vị thấp trong xã hội phải chấp nhận thực tế là bị cướp.

Vì vậy, phụ nữ thời đó đã hình thành một sự đồng thuận: Phụ nữ nên theo kẻ mạnh. Trong khi đó, Thành Cát Tư Hãn là người mạnh nhất lúc bấy giờ, việc con gái, vợ của kẻ thù sẵn sàng đi theo ông là chuyện hiển nhiên. Đây là một trong những lý do ông không lo lắng việc bản thân bị những thê thiếp này ám sát.

Một điểm nữa là khi người Mông Cổ chinh phục các bộ tộc khác nhau, họ không nhất thiết phải đánh bại lẫn nhau, chỉ cần đối phương sẵn sàng dâng đất và cống nạp sẽ được chấp nhận. Lẽ dĩ nhiên, những người phụ nữ này thường được sử dụng làm "vật phẩm" cống nạp. Ngoài ra, người phụ nữ bị cướp vừa là vợ vừa là con tin. Những phi tần này mặc dù được chăm sóc chu đáo trong hậu cung của Thành Cát Tư Hãn, nhưng mỗi nhất cử nhất động của họ cũng đại diện cho bộ tộc của họ. Vì vậy, ở Mông Cổ lúc bấy giờ, hầu hết phụ nữ đều không còn ý thức phản kháng nữa. Bởi nếu họ có ý định ám sát, phản kháng, bộ tộc của họ sẽ bị diệt vong ngay lập tức. 

Có giả thuyết cho rằng, Thành Cát Tư Hãn bị công chúa Tây Hạ ám sát. Ảnh Internet.
Có giả thuyết cho rằng, Thành Cát Tư Hãn bị công chúa Tây Hạ ám sát. Ảnh Internet.

Tuy nhiên, chính vì sự tự tin này khiến Thành Cát Tư Hãn phải trả một cái giá rất đắt khi phải trả giá bằng cả tính mạng. Theo cuốn Nguồn gốc Mông Cổ, Công chúa Tây Hạ là một trong những thê thiếp của Thành Cát Tư Hãn. Là người có tính tình bướng bỉnh, mạnh mẽ lại dũng cảm, công chúa Tây Hạ quyết không cam chịu mà có ý đồ ám sát Thành Cát Tư Hãn. Lợi dụng lúc Thành Cát Tư Hãn ở trên giường không để ý, công chúa Tây Hạ đã dùng dao đâm Thành Cát Tư Hãn, sau đó nàng cũng tự sát tại chỗ. Mặc dù lúc đó Thành Cát Tư Hãn không chết mà được cứu kịp thời. Tuy nhiên, vì vết thương quá nặng, ông đã chết sau đó vài ngày. Sau khi quân Mông Cổ phát hiện ra, họ đã trực tiếp tàn sát người Tây Hạ, gần như không còn ai sống sót.

Tuy nhiên, đây chỉ là giả thuyết. Đến nay, giới khảo cổ nỗ lực tìm kiếm lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn nhằm làm sáng tỏ bí ẩn về cái chết của ông. 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: Thành Cát Tư Hãn