Chính phủ mới của Tổng thống Moon Jae In mới đây đã đưa ra đề xuất chính thức khi muốn đối thoại với Triều Tiên. Đề xuất nhanh chóng gây sự chú ý và hoài nghi về nguyên nhân thật sự.
Hôm qua 17/7, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Choo-suk cho biết, nước này hi vọng được thực hiện một cuộc họp song phương với nước láng giềng tại làng biên giới Panmunom vào hôm thứ sáu tuần này. Cuộc họp nhằm mục đích giám bớt căng thẳng tại khu vực bán đảo sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa hôm 4/7 vừa qua.
Nếu Triều Tiên đồng ý, đây sẽ là cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai chính phủ kể từ năm 2015. Tuy nhiên, đến nay phía Bình Nhưỡng vẫn chưa xác nhận đề nghị. Đề nghị trên được đưa ra sau khi Triều Tiên có khả năng phát triển đột phá trong chương trình vũ khí hạt nhân, đặc biệt là sau vụ phóng ICBM. Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã luôn xem đàm phán là lựa chọn hàng đầu để đối phó với Bình Nhưỡng.
Tân Tổng thống Hàn Quốc muốn đàm phán với Triều Tiên. |
Ngay sau khi đề xuất được công bố, tờ Washington Post đã nhanh chóng có bài bình luận giải thích các động thái của Tổng thống Moon được thúc đẩy bởi 3 lý do được Washington Post đưa ra sau đây.
Bất kỳ cuộc xung đột nào với Triều Tiên cũng đều là tai hoạ cho Hàn Quốc:
Trên thực tế, không chỉ Hàn Quốc mà rất nhiều quốc gia trên thế giới luôn chú ý đế chương trình vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa của Triều Tiên. Nhiều chuyên gia lo ngại, nếu Triều Tiên có thể phát triển khả năng phóng vũ khí tên lửa nhằm vào các mục tiêu ở Mỹ, thì đó sẽ là một sự đe dọa lớn đối với bất cứ hành động quân sự nào trong tương lai.
Tuy nhiên, không xa xôi như Mỹ, nỗi lo bị đe dọa đang thực sự hiện diện. Thủ đô Seoul chỉ cách khu phi quân sự hai miền DMZ khoảng 50 km. Như vậy, 25 triệu dân sống trong thành phố này đã nằm hoàn toàn trong tầm bắn của pháo binh Triều Tiên. Nếu Bình Nhưỡng quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân, họ có thể gây ra thiệt hại rất lớn trong một khoảng thời gian ngắn.
Trong một báo cáo năm 2012 của Hàn Quốc, ước tính sẽ có khoảng 64.000 người phải chết nếu Triều Tiên tiến hành một trận pháo binh. Dù Hàn Quốc và đồng minh có khả năng phá hủy các vũ khí này một cách nhanh chóng, cũng khó có thể đủ nhanh để ngăn chặn thảm họa đổ máu.
Tệ hơn nữa, Triều Tiên hiện nay có vũ khí hạt nhân có thể gắn được trên tên lửa phóng tới Hàn Quốc sẽ làm tăng khả năng xảy ra cuộc xung đột có sức tàn phá khủng khiếp. Một số vũ khí hạt nhân này đã được giấu đi, đồng nghĩa với các cuộc tấn công dự phòng không thể vô hiệu hóa chúng.
Các lệnh trừng phạt không khiến Triều Tiên thay đổi
Một lựa chọn được nhiều nước áp dụng đối với Triều Tiên với mục đích thuyết phục nước này ngừng chương trình hạt nhân là gia tăng các lệnh trừng phạt, gây áp lực kinh tế đối với Bình Nhưỡng. Vì trước đó, cũng chính các biện pháp trừng phạt đã khiến Iran lên bàn đàm phán hiệp định vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, là quốc gia chịu trừng phạt lâu năm, nhưng Triều Tiên vẫn kiên quyết theo đuổi chương trình vũ khí của mình. Điều đó có thể thấy, Bình Nhưỡng vẫn có những cách để "lách luật", vì vậy các biện pháp trừng phạt đã không thể làm gì Triều Tiên.
Theo các chuyên gia nhận đinh, quốc gia này thường lợi dụng các mạng lưới bất hợp pháp để phát triển thương mại. Theo cựu quan chức đào tẩu Triều Tiên, ông Ri Jong Ho tiết lộ, “Các lệnh trừng phạt chỉ như chiếu lệ”.
Chính quyền Tổng thống Trump là quốc gia thích áp dụng các biện pháp trừng phạt. Mới đây, ông chủ Nhà Trắng đã đưa ra lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty và cá nhân Trung Quốc có giao thương với Triều Tiên.
Tuy nhiên, rất khó hình dung Nga và Trung Quốc sẽ cắt đứt quan hệ với Triều Tiên nếu chỉ có các biện pháp trừng phạt kinh tế. Cả hai nước đều có đường biên giới chung với Triều Tiên và không có yêu cầu nào về chế độ ở Triều Tiên.
Tuy ủng hộ trừng phạt nhưng tân Tổng thống Hàn Quốc vẫn luôn muốn tìm cách cải thiện mối quan hệ Trung-Hàn (vốn chịu áp lực lớn do Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc và đây được Trung Quốc xem là mối đe dọa an ninh quốc phòng của họ)
Các cuộc đàm phán gần đây nhất đã tạo ra một số kết quả:
Người tiền nhiệm của ông Moon, cựu Tổng thống Kim Dae-jung và Tổng thống Roh Moo-hyun đã thực hiện "Chính sách Ánh Dương" giữa năm 1998 và năm 2008. Đây được coi là biện pháp được xây dựng để làm dịu lập trường của Hàn Quốc đối với Triều Tiên, khuyến khích sự tương tác về chính trị và các hiệp định kinh tế.
Vì là người quản lý chiến dịch của Tổng thống Roh trong suốt chiến dịch bầu cử nên ông chủ Nhà Xanh hiện tại biết rất rõ về chính sách Ánh Dương này. Tuy nhiên, sau một thập kỷ, nhiều người xem chính sách này như một thất bại. Các nhà chỉ trích nói rằng Triều Tiên đã sử dụng nó để đạt được lợi ích tài chính mà không thực hiện các nhượng bộ thực sự trong các lĩnh vực quan trọng như chương trình hạt nhân hoặc nhân quyền.
Hàn Quốc sau đó quay trở lại với chính sách bảo thủ vào năm 2008. Dưới sự lãnh đạo của Lee Myung-bak và sau đó là Park Geun-hye, hầu hết các yếu tố chính của chính sách này - chẳng hạn như khu vực công nghiệp Kaesong - đã bị đóng cửa hoặc bị thu hẹp.
Hơn một thập kỷ nữa trôi qua nhưng những lệnh trừng phạt hà khách cũng không khiến Triều Tiên thay đổi. Vì vậy, nhiều người yêu cầu tái khởi động chính sách Ánh Dương.
Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy gần 76,9% người Hàn Quốc ủng hộ tái thiết chương trình đối thoại liên Triều. Đối với nhiều người Hàn Quốc tự do, đàm phán là lựa chọn tốt nhất cho một mối quan hệ tồi.
Nghiêm Thu (The Washington Post)