Từ cuộc nổi dậy Libya năm 2011, giới lãnh đạo Triều Tiên hiểu rằng phải giữ lại chương trình hạt nhân để tồn tại.
Ảnh minh họa: Attila JANDI / Shutterstock.com |
Libya năm 2011 - cuộc nổi dậy chống lại Đại tá Muammar Gaddafi và số phận bi thảm chờ đợi nhà độc tài này trên con đường bụi bặm ở phía tây Sirte - đã củng cố niềm tin bấy lâu nay của Triều Tiên đó là cách duy nhất để thực sự ngăn chặn một cuộc tấn công từ bên ngoài là duy trì và phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Thật vậy, vào tháng 2/2011, một người phát ngôn của Triều Tiên tuyên bố với thế giới những bài học mà chính quyền Kim Jong-un đã học được. "Khắp các ngóc ngách trên trái đất này đã thấy việc Libya từ bỏ vũ khí hạt nhân... những lời ngon tiếng ngọt như "sự bảo đảm an ninh" và "cải thiện quan hệ" được sử dụng như chiến thuật xâm lược để giải trừ quân bị của nước này. Tự mình có được sức mạnh mới là cách duy nhất để giữ được hòa bình", vị quan chức Triều Tiên nói.
Cho dù có đồng ý với sự can thiệp quốc tế ở Libya hay không thì có một sự thật là Gaddafi, nhà lãnh đạo quốc tế duy nhất từng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình, đã bị phản bội. Ông đã từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình, hợp tác trong vụ Lockerbie và bàn giao các tài liệu về al-Qaeda và IRA cho phương Tây. Các quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa đã phát triển nhưng khi quân nổi dậy xuất hiện, một liên Minh Quân sự của phương Tây lại hỗ trợ họ lật đổ ông ấy.
Điều này, cùng với cuộc xâm lược Iraq hơn một thập kỷ trước, đã tạo nên sự nghi ngờ sâu sắc và chính đáng của Triều Tiên đối với phương Tây. CHDCND Triều Tiên đã tồn tại từ rất lâu, bất chấp mọi khó khăn, vượt qua sự áp chế của các nước khác, tất cả đều nhờ vào chiến lược chính trị của họ.
Biết rằng để tăng khả năng tự sinh tồn, họ cần có một chương trình hạt nhân. Họ nhận thức rằng trở thành một nước hạt nhân sẽ không bao giờ bị một cường quốc bên ngoài xâm chiếm bởi rủi ro là quá lớn. Từ nhiều năm nay, lẽ sống của Triều Tiên đó là tự duy trì sự cai trị của gia đình và những tầng lớp tinh anh xung quanh, vượt qua bất cứ khó khăn nào để cải thiện nền kinh tế hoặc giảm mức độ gây sốc của sự nghèo khó trên khắp đất nước.
Hầu hết tất cả các hành động ở mức độ trong và ngoài nước đều nhằm đạt được mục tiêu tự duy trì tổng thể. Do đó, Triều Tiên sẽ chấp nhận chịu trừng phạt bởi theo quan điểm của họ việc từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân chẳng khác nào tự sát. Trong khi họ có thể mất đi những mặt hàng xa xỉ và Kim Jong-un có thể phải vật lộn mới có được món pho mát Thụy Sĩ mà ông yêu thích thì với họ, cái giá này vẫn còn quá rẻ để tránh số phận của Gaddafi.
Trong khi các lệnh trừng phạt mới khá nặng, đặt lệnh cấm các mặt hàng xa xỉ và tất cả việc chuyển gia vũ khí nhỏ, hạng nhẹ cũng như ra lệnh kiểm tra bắt buộc với hàng hóa, thì chúng lại không thể buộc Triều Tiên xem xét việc từ bỏ chương trình vũ khí của mình. CHDCND Triều Tiên là "quốc gia của các lệnh trừng phạt", thiện chiến và miễn dịch với chúng hơn bất cứ quốc gia nào khác. Họ đã hứng các lệnh trừng phạt với các mức độ khác nhau trong gần 3 thập kỷ qua. Thậm chí ngay cả trong phản ứng chính thức của mình, Triều Tiên cũng tuyên bố: "đây là một tính toán sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng các lệnh trừng phạt sẽ có tác dụng với CHDCND Triều Tiên".
Dĩ nhiên, các lệnh trừng phạt này còn phụ thuộc vào sự sẵn sàng thực thi liên tục của Trung Quốc. Điều này không có gì đảm bảo bởi Trung Quốc trước đó từng không nghiêm trong những lệnh trừng phạt để gây khó dễ cho chính quyền Triều Tiên. Giới tinh anh ở Trung Quốc và Triều Tiên cũng thành thạo trong việc chuyển tiền thông qua nền kinh tế đen. Theo các doanh nghiệp địa phương, các biện pháp trừng phạt không có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng hay làm thay đổi các giao dịch kinh doanh về cơ bản.
[mecloud] bODtrd7oSQ[/mecloud]
Trong thực tế, các lệnh trừng phạt có thể đi ngược lại với những dự định của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông nói "chúng nhằm ngăn những nỗ lực cải tiến chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bình Nhưỡng". Thay vào đó, các lệnh trừng phạt này có thể giúp ông Kim Jong-un nhận được sự ủng hộ trong nước bằng cách tuyên truyền rằng các cường quốc bên ngoài đang gây tổn hại đến Triều Tiên. Thật vậy, trong một cuộc phỏng vấn của hãng AP với các công dân ở Bình Nhưỡng, một người dân địa phương tên Song Hyo-il nói: "Chẳng có lệnh trừng phạt nào có tác dụng với chúng tôi bởi chúng tôi đã sống dưới các lệnh trừng phạt của Mỹ hơn nửa thế kỷ qua".
Một trong những công cụ chính trị sống còn của Kim Jong-un là khả năng tự miêu tả mình như người bảo vệ cho an ninh đất nước. Ông đã thực hiện điều này bằng cách tuyên truyền, tạo ra tâm lý bị kẻ thù bao vây. Nêu bật "sự ruồng bỏ văn hóa" của Hàn Quốc, nói họ là con rối của Mỹ, Bình Nhưỡng có thể sử dụng những biện pháp trừng phạt này như minh chứng duy nhất cho thấy Triều Tiên có thể vẫn luôn mạnh mẽ, độc lập bằng cách tin tưởng vào lãnh đạo. Nếu thất bại, Triều Tiên sẽ phải đối mặt với sự diệt vong.
Cuối cùng, tất cả mọi biện pháp trừng phạt quốc tế và những lời hùng biện đều không thay đổi thực tế là thế giới ngày càng muốn tránh xa cuộc xung đột với một Triều Tiên được vũ trang hạt nhân hơn là cuộc xung đột với một Libya không hạt nhân. Kết cục bi thảm của Gaddafi có thể khẳng định những gì mà Kim Jong-il trước đây và Kim Jong-un bây giờ hiểu: Một nhà độc tài muốn duy trì quyền lực nên giữ lại vũ khí hạt nhân. Trong khi các biện pháp trừng phạt có thể làm tổn hại đến kinh tế Triều Tiên, thậm chí làm chậm tốc độ phổ biến hạt nhân thì chúng sẽ không mang lại sự thay đổi thực sự đối với Triều Tiên.
* Bài viết của tác giả Jack Hands, một cựu cố vấn chính trị từng làm việc tại nghị viện châu Âu và Anh.
Bảo Linh (The Diplomat)