Tin mới

Tại sao Trung Quốc nổi giận khi Obama gặp Dalai Lama?

Thứ năm, 16/06/2016, 10:12 (GMT+7)

Cuộc gặp hôm 15/6 giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Dalai Lama ở Washington đã khiến Trung Quốc - chính xác là khoảng 1,3 tỷ dân nước này - tức giận.

Cuộc gặp hôm 15/6 giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Dalai Lama ở Washington đã khiến Trung Quốc - chính xác là khoảng 1,3 tỷ dân nước này - tức giận, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng. Trung Quốc xem nhà lãnh đạo tinh thần 80 tuổi của Tây Tạng, biểu tượng toàn cầu này là người theo chủ nghĩa ly khai nguy hiểm, đe dọa đến chủ quyền của đất nước.

Tại buổi họp báo ngày 14/6, ông Lục nói về cuộc gặp sắp tới tại Nhà Trắng: "Dưới lớp áo choàng tôn giáo, Dalai Lama thứ 14 rêu rao khắp nơi về những tham vọng chính trị nhằm chia rẽ Trung Quốc trên khắp thế giới. Chúng tôi yêu cầu tất cả các nước, các chính phủ không chứa chấp để ông ấy thực hiện những chiến dịch như vậy, thậm chí còn có chút ít sự mạo hiểm để khơi dậy sự chống đối từ 1,3 tỷ người dân Trung Quốc".

Trong khi mọi người không biết về những gì được thảo luận tại cuộc gặp trong Nhà Trắng (các quan chức Mỹ gọi đây là cuộc gặp mang tính "cá nhân"), Dalai Lama đã có nhiều năm trải qua những cuộc gặp với rất nhiều nguyên thủ quốc gia, các tỉ phú, những người nổi tiếng. Trả lời phỏng vấn tờ TIME vào năm 2014, Đức Dalai Lama giải thích rằng tất cả những gì ông muốn là thỏa hiệp với Trung Quốc. "Chúng tôi không tìm kiếm sự độc lập. Chúng tôi đang tìm kiếm quyền tự chủ nói chung".

Các quan chức Trung Quốc không bị thuyết phục, gọi thủ lĩnh tinh thần lưu vong này là "một con sói đội lốt thầy tu", người đang tìm cách để Tây Tạng tách khỏi Trung Quốc. Bắc Kinh nói rằng họ có chủ quyền với cả Tây Tạng từ nhiều thế kỷ trước nhưng Tây Tạng không đồng ý.

Tổng thống Obama gặp Dalai Lama từ năm 2014. Ảnh: White House

William A. Callahan, một giáo sư quan hệ quốc tế tại trường Kinh tế London (LSE) nêu quan điểm: "Bắc Kinh có cái nhìn rất hẹp về những gì mà Dalai Lama muốn và họ coi ông ấy là người muốn chia rẽ Trung Quốc. Logic là bất cứ lãnh đạo nước ngoài nào gặp Dalai Lama cũng đều bị coi là họ đang ủng hộ ly khai".

Đúng vào năm quân đội Trung Quốc nắm quyền kiểm soát Tây Tạng (1950), Đức Dalai Lama chính thức trở thành người đứng đầu nhà nước ở tuổi 15. Ông đã gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông trong khi đàm phán về quyền tự chủ của Tây Tạng. Nhưng cuối cùng, ông buộc phải rời đến bắc Ấn Độ cùng với chính phủ của mình vào năm 1959.

Ác cảm với Dalai Lama có thể bắt nguồn từ những bất bình của Trung Quốc về việc họ thực sự được hưởng lợi rất ít từ Tây Tạng. Theo Callahan, lập trường của Bắc Kinh về Tây Tạng gắn liền với "những cảm xúc sâu sắc về "Thế kỷ của sự xỉ nhục" - giai đoạn từ thế kỷ 19-20, khi mà Trung Quốc mất quyền kiểm soát lãnh thổ của mình vào tay đế quốc Nhật Bản và phương Tây. Thế kỷ ấy đã chấm dứt khi Mao Trạch Đông thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1939. Mặc dù phần còn lại của thế giới - đặc biệt là phương Tây - xem Dalai Lama là một biểu tượng tôn giáo và văn hóa nhân từ nhưng Callahan tin rằng các quan chức Trung Quốc sẽ tiếp tục xem ông ấy như một nhân vật chính trị đang tìm cách làm suy yếu tính hợp pháp của họ.

Kerry Brown, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc và giám đốc Viện Lau China tại ĐH King ở London cho rằng: "Ở một khía cạnh nào đó, đây là dấu hiệu của sự bất an. Họ lo lắng trước những nghi ngờ về quyền kiểm soát của họ" và "sẵn sàng dùng ảnh hưởng chính trị" để tác động lên các cuộc họp mà trong thực tế rất ít ý nghĩa địa chính trị, giống như cuộc gặp tại Nhà Trắng hôm 15/6. Ông Brown lưu ý rằng trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo phương Tây, ngoại trừ Mỹ, hầu như đã ngừng gặp Dalai Lama, chủ yếu là vì lo ngại những hậu quả ngoại giao tiêu cực với Bắc Kinh. Vào năm 2012, cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh David Cameron với Dalai Lama đã bị Trung Quốc lên án mạnh mẽ. "Họ đã không nhận được các chuyến thăm cấp bộ trưởng từ phía Trung Quốc trong vòng 1 năm", ông Brown nói.

Đây là lần thứ 4 ông Obama tổ chức gặp tu sĩ Phật giáo Tây Tạng. Điều quan trọng cần lưu ý là cuộc họp của họ diễn ra tại phòng Bản đồ chứ không phải phòng Bầu dục, nơi thường được dùng cho việc tiếp đón các nguyên thủ quốc gia. Ông Obama cũng giới hạn chế việc làm mếch lòng Trung Quốc bằng cách tổ chức họp kín. Sự tức giận của Trung Quốc có thể chỉ nằm ở mức hăm dọa nhưng có vẻ như Mỹ cũng đang lắng nghe họ.

Bảo Linh (TIME)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: Obama Dalai Lama