Lãnh đạo Trung Quốc đang chịu áp lực từ một số đơn vị trong quân đội, đòi hỏi phải phản ứng mạnh mẽ hơn đối với phán quyết của tòa quốc tế, chống lại các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.
Đây là thông tin mà một số nguồn tin giấu tên cung cấp cho tờ Reuters của Anh.
Trung Quốc đã từ chối tham gia vào vụ kiện do tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague giám sát.
Bắc Kinh đã tố thẳng rằng phán quyết ngày 12/7 có lợi cho Philippines giống như một trò hề không có cơ sở pháp lý và là một phần âm mưu chống Trung Quốc do Washington đứng sau.
Phán quyết này đã tạo ra một làn sóng yêu nước mạnh mẽ tại Trung Quốc, châm ngòi cho những cuộc biểu tình và những bài xã luận lớn tiếng trên các phương tiện truyền thông nước này.
Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa cho thấy bất cứ dấu hiệu nào là muốn hành động mạnh hơn. Thay vào đó, họ kêu gọi một giải pháp hòa bình thông qua đàm phán, đồng thời hứa hẹn sẽ bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc.
Nhưng, theo một cuộc phỏng vấn với 4 nguồn tin thân cận với quân đội và giới lãnh đạo Trung Quốc, một số đơn vị thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã phản ứng nhằm vào Mỹ và các đồng minh của họ trong khu vực.
Một nguồn tin có quan hệ với quân đội nói với Reuters: "PLA đã sẵn sàng".
Chủ tịch Tập Cận Bình đã không ngừng ve vãn và củng cố triệt để vai trò lãnh đạo của mình đối với PLA và không phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng nào.
Trong khi đang giám sát sâu rộng việc cải cách quân đội để cải thiện khả năng chiến đấu của PLA, ông Tập nói rằng Trung Quốc cần một môi trường bên ngoài ổn định để giải quyết các vấn đề phát triển của mình, trong đó có cả một nền kinh tế đang chậm lại. Rất ít người mong đợi ông Tập có bất cứ hành động nào trước thượng định G-20 vào tháng 9 tới.
Nhưng phản ứng cứng rắn đối với phán quyết của The Hague từ một số đơn vị quân sự sẽ làm tăng nguy cơ rằng bất cứ hành động khiêu khích hoặc vô ý nào tại Biển Đông cũng có thể làm leo thang thành một cuộc đụng độ nghiêm trọng hơn.
Một bộ phận quân đội Trung Quốc được cho đang gây sức ép cho Tập Cận Bình về phán quyết của PCA. Ảnh: Reuters |
Quân đội "được tôi cứng"
Một nguồn tin khác có quan hệ với giới lãnh đạo đã mô tả tâm trạng hiện nay của PLA là như "diều hâu".
"Mỹ sẽ làm những gì họ phải làm. Chúng ta sẽ làm những gì chúng ta phải làm. Toàn bộ phía quân đội đã được tôi cứng. Đó là một sự mất mặt lớn", nguồn tin này cho biết.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Vương Vũ Quân, khi được hỏi liệu PLA có thúc đẩy một phản ứng mạnh mẽ hơn, đã nhiều lần lặp lại rằng lực lượng vũ trang sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền hàng hải và lãnh thổ, hòa bình và ổn định của Trung Quốc trong khi đối phó với bất cứ mối đe dọa hay thách thức nào.
Những tướng lĩnh quân đội đã về hưu và những học giả có liên kết với quân đội đã thúc giục chính phủ có phản ứng vũ trang.
Liang Fang, một giáo sư tại ĐH Quốc phòng viết về phán quyết trên Weibo của mình: "Quân đội Trung Quốc sẽ tiến lên, chiến đấu hết mình. Trung Quốc sẽ không bao giờ cam chịu trước bất cứ nước nào về vấn đề chủ quyền".
Hiện chưa rõ quân đội nước này đang xem xét những bước đi nào.
Nhiều người đã chú ý đến khả năng thành lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông. Vùng này đòi hỏi các máy bay quốc tế phải "xưng danh" với chính quyền Trung Quốc khi đi qua.
Các khả năng khác được những người có liên kết với PLA đưa ra gồm: đặt tên lửa lên các máy bay ném bom đi tuần tra Biển Đông có khả năng tấn công Philippines hoặc Việt Nam.
Yue Gang, một đại tá về hưu nói rằng tuyên bố hứa tuần tra thường xuyên khu vực này của Trung Quốc cho thấy họ đang tìm cách phủ nhận ưu thế trên không mà Mỹ có được nhờ các tàu sân bay. Trung Quốc nên có đủ tự tin để tạo ra một sự cố và đá Mỹ ra ngoài, ông này nói thêm.
Yue viết trên Weibo của mình: "Trung Quốc không bị tàu sân bay Mỹ đe dọa và đủ can đảm để tạo ra một cuộc đối đầu vô ý".
Việc Trung Quốc xây dựng quân đội trung khu vực sẽ bất chấp đẩy nhanh bất cứ hành động nào".
Li Jinming đến từ Viện Biển Đông thuộc ĐH Hạ Môn, Trung Quốc đã viết trên tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á của Trung Quốc: "Chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài và coi đây như một bước ngoặt trong chiến lược quân sự trên Biển Đông của chúng ta".
Cảnh giác với đụng độ
Bất chấp đe dọa, vẫn chưa có động thái quân sự chắc chắn nào có thể dẫn tới leo thang căng thẳng. Các nhà ngoại giao và các nguồn tin cho biết giới lãnh đạo Trung Quốc đã nhận thức rõ sự nguy hiểm của một cuộc đụng độ.
"Họ đang ở thế phòng thủ. Họ rất quan ngại về phản ứng quốc tế", một nhà ngoại giao cấp cao tại Bắc Kinh cho biết.
"Họ thực sự muốn quay lại các cuộc đàm phán. Giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải suy nghĩ lâu dài và nghĩ kỹ về những gì xảy ra tiếp theo".
Trong giới quân sự Trung Quốc có một sự thừa nhận đó là Trung Quốc sẽ thất bại khi đối đầu với Mỹ.
"Hải quân chúng tôi không thể đánh lại được người Mỹ. Chúng tôi không có đủ trình đó. Người bị thiệt hại duy nhất là dân thường Trung Quốc", nguồn tin có quan hệ với quân đội nước này nói.
Ngay cả việc lập một ADIZ, giống như Bắc Kinh đã từng làm tại Hoa Đông năm 2013 khiến Mỹ, Nhật và một số nước khác nổi giận, sẽ khó để thực thi.
Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố mình sẽ lập một ADIZ nhưng quyết định còn phụ thuộc vào mức độ đe dọa mà họ phải đối mặt.
Một nguồn tin thứ hai có liên hệ với giới lãnh đạo thì đã nói thẳng: "Chiến tranh là không có khả năng".
"Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận. Chúng tôi mong đợi các tàu hải quân Mỹ tiếp tục tới và tính toán sai lầm là điều không thể loại trừ", người này nói.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại. Ông nói giờ đã là lúc để đưa mọi thứ trở lại "đúng lộ trình" và "sang trang" phán quyết.
Mỹ cũng đã có phản ứng tích cực với những đề nghị này do đó đã cử cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice sang Trung Quốc trong tuần này để kêu gọi kiềm chế.
Washington cũng đang dùng thuật ngoại giao yên tĩnh để thuyết phục các bên khác không có những động thái gây hấn để tận dụng phán quyết.
Theo các nhà ngoại giao phương Tây và châu Á, Trung Quốc đã nổi giận trước các cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ tại Biển Đông nhưng quân đội của họ chỉ phản ứng lại bằng cách bám sát, cảnh báo tàu Mỹ. Điều này cho thấy Trung Quốc không hài lòng với sự khiêu khích không cần thiết từ phía quân đội Mỹ.
Trung Quốc cũng cảnh giác với bất cứ sự cố nào có thể phủ bóng lên thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại Hàng Châu vào tháng 9 tới.
Một nhà ngoại giao Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc có khả năng sẽ chọn khoảng thời gian sau khi kết thúc G-20 và bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 để đưa ra hành động. "Nhưng xét đoán này có thể nhầm nếu Trung Quốc nghĩ Mỹ sẽ ngồi lại và chẳng làm gì cả", nhà ngoại giao này cho biết.
Bảo Linh (Reuters)