Tin mới

Tên lửa trên Biển Đông đã thổi bùng căng thẳng Mỹ - Trung

Thứ năm, 18/02/2016, 15:49 (GMT+7)

Chính quyền Obama đã chỉ trích gay gắt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 17/2 sau khi hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai tên lửa đất đối không tới đảo tranh chấp ở Biển Đông.

Chính quyền Obama đã chỉ trích gay gắt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 17/2 sau khi hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai tên lửa đất đối không tới đảo tranh chấp ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng việc triển khai tên lửa hoàn toàn mâu thuẫn với cam kết mà ông Tập đưa ra trong chuyến thăm Nhà Trắng vào năm ngoái rằng sẽ tránh quân sự hóa các đảo tranh chấp ở Biển Đông.

Trong khi đó, giới chức Trung Quốc không trực tiếp xác nhận hay phủ nhận tuyên bố của Mỹ và Đài Loan về việc triển khai tên lửa và nối rằng họ có kế hoạch tăng cường khả năng phòng thủ ở Biển Đông.

Trong khi cả hai bên đều không muốn phát sinh thêm xung đột, thì sự cố thủ của họ đang thu hẹp những lựa chọn về một giải pháp ngoại giao và thúc đẩy nguy hiểm tiềm năng bùng phát.

Giới chức Mỹ hôm 17/2 nói rằng họ xác nhận hình ảnh vệ tinh thương mại ImageSat International rõ ràng cho thấy Trung Quốc đã triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện đang bị Bắc Kinh chiếm giữ trái phép. Theo các bức hình được chụp, hệ thống tên lửa này được triển khai sau ngày 3/2. Giới chuyên gia quân sự nhận định nhiều khả năng đó chính là hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 có radar dẫn đường.

Đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Ảnh: BBC

Mỹ - quốc gia trong những tháng gần đây đang thách thức Bắc Kinh bằng những chuyến tuần tra bằng tàu chiến và máy bay ném bom gần các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc, đã cảnh báo rằng việc xây dựng, cải tạo của Trung Quốc trong khu vực sẽ ngày càng đẩy hai nước vào vị trí đối đầu.

"Khi Chủ tịch Tập đến Washinngton, ông ấy đứng ở Rose Garden với Tổng thống Obama và nói rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa Biển Đông. Nhưng mọi bằng chứng, mọi ngày trôi qua đều dang cho thấy sự gia tăng hoạt động quân sự theo cách này hay cách khác. Đây thực sự là mối quan ngại nghiêm trọng", Ngoại trưởng John Kerry nói.

Những chỉ trích này đã dập tắt sự nồng ấm trong quan hệ Mỹ - Trung sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình. Về phần mình, chỉ một tháng sau cuộc gặp giữa ông Obama và ông Tập, Mỹ đã bắt đầu thử nghiệm phản ứng của Trung Quốc bằng những hoạt động tự do hàng hải gần những hòn đảo mà Trung Quốc đang kiểm soát.

Cả hai bên đều không thể xuống nước. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều dựa vào phần lớn tính hợp pháp chính trị của họ để bảo vệ cái họ cho là thuộc chủ quyền quốc gia. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hứa với các nhà lãnh đạo ASEAN tại hội nghị cấp cao vừa qua tại California rằng Mỹ sẽ giúp đỡ các nước này chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực.

"Nguy cơ của một cuộc chơi ngày càng xấu đi cần phải được theo dõi chặt chẽ, đặc biệt là khả năng tính toán sai lầm", ông Rory Medcalf, một giáo sư về vấn đề an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Quốc gia Australia nhận định.

Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc. Ảnh: ausairpower.net

Bắc Kinh đã quyết tâm theo đuổi việc tăng cường quân sự ở Biển Đông, vùng biển mà họ ngang nhiên tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ. Hồi tháng 5/2015, Trung Quốc đã vạch ra kế hoạch chuyển trọng tâm lực lượng vũ trang sang lực lượng chiến đấu trên biển để giải quyết những thách thức an ninh mới, bao gồm cả chiến lược thay đổi quân sự của Mỹ và các nước châu Á, cũng như "hành động khiêu khích" từ những nước láng giềng.

Khi Washington tiếp tục tuần tra Biển Đông và Bắc Kinh thì không ngừng củng cố hiện diện quân sự trong khu vực, "chúng ta có thể nhận ra nguy cơ về một vài loại đụng độ giữa hai bên", ông William Choong, một chuyên gia về an ninh châu Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế cho biết.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Nhà Trắng hồi tháng 9/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết rằng Trung Quốc "không có ý định theo đuổi quân sự hóa" các đảo mà họ cải tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Mối lo ngại hiện nay của Mỹ chính là hoạt động quân sự của Trung Quốc đã đi ngược lại với tuyên bố của ông Tập tại Washington. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain trong một buổi điều trần gần đây đã nói rằng hành động của Bắc Kinh đã đi xa hơn lời nói của họ.

Vị trí đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đồ họa: The Guardian

"Tôi không nghi ngờ gì về việc Trung Quốc xây dựng các công trình này với ý định sử dụng chúng nhằm duy trì sự hiện diện quân sự lâu dài tại vùng biển này, và nếu cần thiết, họ sẽ có kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự tại Biển Đông", ông McCain nói.

Trước những hình ảnh mà Fox News công bố và nhưng tuyên bố từ Mỹ và Đài Loan, giới chức Trung Quốc lớn tiếng tố rằng truyền thông phương Tây đang bịa đặt, nhấn mạnh rằng hệ thống phòng thủ tên lửa này là cần thiết để bảo vệ lãnh thổ và việc triển khai này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn đề nghị báo chí nên chú ý đến nỗ lực của Bắc Kinh trong việc xây dựng các cơ sở dân sự như các ngọn hải đăng ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng lên tiếng cho rằng truyền thông phương Tây đang nỗ lực tạo nên lý thuyết "mối đe dọa Trung Quốc". Quan chức này cũng nói rằng việc triển khai hệ thống phòng thủ này đã có từ nhiều năm.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng các quan chức của họ đang theo dõi chặt chẽ các hoạt động trên đảo Phú Lâm, nhưng việc triển khai tên lửa sẽ thúc đẩy một cuộc họp khẩn với giới chức Trung Quốc.

Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế có trụ sở tại Washington cho rằng, động thái mới này của Trung Quốc là biểu hiện cho sự leo thang dần dần về hiện diện quân sự ở Biển Đông, mà từ lâu đã bao gồm súng phòng không, súng hải quân, bãi đáp máy bay, radar và thiết bị quân sự khác.

Bonnie Glaser, một cố vấn cao cấp về châu Á tại trung tâm cho biết, có vẻ như Trung Quốc đã lên kế hoạch triển khai trong một thời gian.

Tháng trước, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của Hải quân Mỹ đã tiến vào vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa, một động thái khiến Bắc Kinh vô cùng tức tối và đã lên tiếng phản đối gay gắt.

Lê Huyền (Wall Street Journal)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news