“Con đường âm nhạc” do Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, được phát sóng trực tiếp trên VTV1, tôn vinh những nghệ sĩ tên tuổi có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam.
Trước khi diễn ra liveshow, Phạm Phương Thảo cho biết được tôn vinh là vinh dự nhưng cũng đầy áp lực, cô sẽ cố gắng làm thật tốt để không phụ lại sự tin yêu của khán giả. Và quả thực, Phạm Phương Thảo đã làm được, thậm chí còn làm rất tốt.
Chỉ trong vòng 90 phút đồng hồ diễn ra, nhưng Phạm Phương Thảo đã nói lên được “Khúc tâm tình” với ý nghĩa xuyên suốt là tình yêu và lòng biết ơn của mình, khán giả đã cảm nhận được khá đủ đầy con đường âm nhạc của cô cùng những dấu ấn đáng nhớ, những tâm tư của người sáng tạo luôn trăn trở mà dạt dào cảm xúc, chan chứa tình yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống này.
Chọn “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” (Nguyễn Văn Tý) mở đầu đêm nhạc, Phạm Phương Thảo muốn người yêu nhạc cảm nhận được tình cảm cũng như sự thay đổi trong giọng hát của cô. Đây chính là ca khúc đã giúp Phạm Phương Thảo ghi dấu ấn tại Sao Mai 2003 giúp cô giành giải “Ca sĩ được yêu thích nhất do khán giả bình chọn”.
Sau 20 năm, vẫn là một chất giọng cao, khỏe, trong nhưng giọng ca xứ Nghệ đã đằm hơn, sắc hơn, đậm sự trải nghiệm. Phạm Phương Thảo đang ở độ chín đàn bà, và cả ở giọng hát. Nghe nữ NSƯT hát “Bài ca thống nhất”, “Nguyên vẹn trong tim anh” thấy được cả sự chất chứa tình cảm lẫn kỹ thuật điêu luyện. Chương trình diễn ra vào dịp kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022), Phạm Phương Thảo muốn thể hiện “Bài ca thống nhất”, “Nguyên vẹn trong tim anh” như một lời biết ơn chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta trong công cuộc đấu tranh anh dũng giành lại độc lập tự do, thống nhất đất nước, biết ơn thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu để có được độc lập, hoà bình ngày hôm nay.
Những sáng tác mà Phạm Phương Thảo đưa vào chương trình nhằm khắc hoạ một chân dung nhạc sĩ Phạm Phương Thảo đem đến rất nhiều xúc cảm cho khán giả và cả sự ngưỡng mộ đối với một người sáng tác trẻ sớm định hình một bản sắc âm nhạc riêng biệt, độc đáo, rất Việt Nam, khó tìm được một người tương tự ở thời điểm này.
Trong chương trình, NSƯT Thanh Lam đã dành những lời khen chân tình đến đàn em rằng sáng tác của Phạm Phương Thảo rất hay, rất Việt Nam. Vẻ đẹp Việt Nam ở các sáng tác của giọng ca sinh năm 1982 được trình diễn không chỉ bởi các chất liệu âm nhạc truyền thống đa dạng, phong phú, mà còn là cách sử dụng tài tình hình ảnh về những nét đẹp văn hoá, phong tục tập quán thân thuộc… mà người Việt nào cũng thấy gần gũi với mình. Đó là những câu Đồng Dao, những câu ru à ơi thân thương…
Chính vì thế, nên sau khi hát “À ơi ngày thơ”, Thanh Lam – Trọng Tấn đã cùng hoà giọng lại cho khán giả một câu tưởng như rất bình thường nhưng hai nghệ sĩ lại thấy rất “đắt” trong ca khúc, đó là câu “à ơi” khiến khán giả như được trở về ngày thơ ấu. Với “À ơi ngày thơ”, Phạm Phương Thảo cho biết, đây là bài hát cô dành dành tặng cha mẹ, người thân của mình như lời biết ơn đối với họ.
Cùng với “À ơi ngày thơ”, Thanh Lam, Trọng Tấn cũng thể hiện những sáng tác tiêu biểu của Phạm Phương Thảo. “Ơn mẹ thiên nhiên” với chất giọng Tenor của Trọng Tấn cho khán giả thấy cách nhìn nhận, suy nghĩ sâu sắc trong thế giới quan Phạm Phương Thảo. Trong khi đó Thanh Lam lại khiến cả khán phòng bùng nổ với “Hát đồng dao” – ca khúc táo bạo tiêu biểu cho nhân sinh quan của nữ nghệ sĩ sinh năm 1982. Những ca từ sắc hơn dao như “cô em áo ướt ngửa mình ra phơi” có lẽ chỉ có ở sáng tác của Phạm Phương Thảo và quả thật khó có ai thể hiện hợp hơn Thanh Lam, một cá tính nồng nàn, bốc lửa trong âm nhạc Việt Nam.