Đính kèm hình ảnh, nam thanh niên này mô tả: "Ở quê mấy anh chị em gọi trái này là trái gì (chín ăn rất ngọt)? Cây bình thường trái chỉ to như ngón tay út. Cây này thì như kiểu… bị đột biến."
Ngay khi đăng tải, Cộng đồng mạng tỏ ra xôn xao vì nhìn mãi chẳng đoán ra đó là quả gì. Một số người còn phỏng đoán đây là một giống chuối lạ nào đó, vì nhìn rất giống nai chuối đang chín vàng.
Trong khi đó, nhiều bạn từng ăn thử xác nhận đây chính là dủ dẻ - một loại trái cây khá quen thuộc với người dân miền quê. Tuỳ theo từng địa phương mà loại quả này còn có cách gọi khác là dũ dẻ, dù dẻ, dúi dẻ, giũ giẻ…
Được biết, dủ dẻ là một loài cây thường mọc dại ven rừng, cho hoa rất thơm còn quả thì ăn ngọt thanh. Cây này xuất hiện nhiều ở các tỉnh dọc miền Trung và Tây Nguyên. Lúc còn non, quả dủ dẻ có màu xám nhạt và lúc chín thì chuyển sang vàng, thịt mỏng và có vị ngọt thơm ngon.
Dủ dẻ từ lâu đã gắn liền với tuổi thơ của người dân các vùng kể trên, nhưng đối với người dân nơi khác thì loại quả này đúng là kỳ lạ. Vẻ ngoài bắt mắt với màu vàng ươm, căng mọng và vị ngọt thanh khi chín khiến trái dủ dẻ rừng luôn hút hồn lũ trẻ vùng quê, đặc biệt là trong những ngày hè.
Dủ dẻ ra trái gần như quanh năm, thế nhưng nhiều nhất là trong mùa hè. Vào thời gian này, trẻ con ở vùng thôn quê thường hay í ới gọi nhau đi tìm hái dủ dẻ để ăn, đồng thời hái cả hoa để ngửi, hoặc bỏ vào túi quần áo cho thơm.
Vì mọc rải rác, trái nhỏ và số lượng quả chín ở mỗi cây không nhiều cho nên loại quả này không ai trồng mà thường được người dân vùng quê tiện thể tìm hái khi đi lao động ở khu vực ven đồi núi để mang về cho con trẻ ăn, chứ hiếm thấy ai tìm hái để bán.