Các nhà nghiên cứu tại Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Italy đã phát hiện ra Covid-19 tồn tại trên mắt một phụ nữ 65 tuổi trong 21 ngày sau khi bà xuất hiện những triệu chứng đầu tiên. Báo cáo cho biết có những người đau mắt đỏ có virus corona trên cầu mắt. Tuy nhiên, số bệnh nhân nhiễm Covid-19 có triệu chứng này còn khá thấp.
Mặc dù Covid-19 chủ yếu lây từ người sang người thông qua các giọt hô hấp và chất nhầy do ho và hắt hơi (có thể thông qua nói hoặc thở), nghiên cứu mới nhấn mạnh tại sao không được chạm tay lên mặt và mắt để ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Đau mắt đỏ hoặc viêm kết mạc có thể do vi khuẩn hoặc virus gây ra mặc dù virus phổ biến hơn. Nó thường đi kèm với nhiễm trùng đường hô hấp.
Tại Mỹ, đau mắt đỏ trở thành mối quan ngại về virus corona lần đầu sau khi một y tá tại viện dưỡng lão Life Care tiết lộ hầu hết các bệnh nhân Covid-19 mà cô điều trị đều bị đau mắt đỏ. Viện dưỡng lão này có hơn 80 cụ già và 34 nhân viên bị nhiễm Covid-19, trong đó có 35 người đã tử vong. Có lẽ điều đáng lo ngại nhất là hầu hết các bệnh nhân đều không có biểu hiện bệnh tật nhưng cuối cùng lại được xác nhận nhiễm virus.
Đau mắt đỏ chưa được liệt vào danh sách các triệu chứng của Covid-19 nhưng đây là hiện tượng được các cơ quan y tế tại nhiều quốc gia ghi nhận. Các nghiên cứu phát hiện ra mắt là một trong những bộ phận của cơ thể có thể bị virus tấn công. Tuy nhiên, điều này dường như tương đối hiếm gặp.
Trong một nghiên cứu đối với hơn 1.000 bệnh nhân nhiễm virus corona tại Trung Quốc, chỉ có 9 người phát triển triệu chứng đau mắt đỏ (chưa đến 1%).
Ở một nghiên cứu khác, chỉ có 1 trong số 30 bệnh nhân bị viêm kết mạc. Nó có thể không phổ biến nhưng triệu chứng về mắt chắc chắn có thể dai dẳng, theo báo cáo được đăng trên tạp chí Annals of Internal Medicine.
Viện dưỡng lão Life Care đã báo cáo nhiều ca Covid-19 có triệu chứng đau mắt đỏ. Ảnh: Life Care
Bệnh nhân 65 tuổi ở Italy đã trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc. 5 ngày sau khi về Italy và chỉ một ngày sau khi xuất hiện triệu chứng, bà đã được nhập viện. Ngoài đau mắt đỏ, nhiễm trùng mắt, người phụ nữ còn ho khan, đau họng và nghẹt mũi nhưng không bị sốt cho tới vài ngày sau đó.
Vào ngày thứ 3 sau khi nhập viện, mắt của bệnh nhân vẫn đỏ, vì vậy nhân viên y tế bắt đầu lấy mẫu thử từ mắt. Họ tiếp tục lấy mẫu dịch mắt gần như hàng ngày sau đó. Mỗi mẫu tiết lộ RNA (vật liệu di truyền) từ SARS-CoV-2. Cuối cùng, đến ngày thứ 21 sau khi nhập viện, virus đã biến mất khỏi dịch mắt của bệnh nhân. Nhưng nó lại xuất hiện trở lại 5 ngày sau đó. Virus corona vẫn còn đọng lại trong mắt của bà vài ngày sau, ngay cả khi dịch mũi không còn.
Điều này cho các nhà nghiên cứu thấy rằng virus tiếp tục sao chép trong dịch mắt của người phụ nữ. Nó không chỉ gây lo ngại cho khả năng loại bỏ virus của bệnh nhân mà có nghĩa là chất nhầy, thậm chí là nước mắt của bà cũng có thể lây bệnh cho người khác. Đây cũng là hiện tượng từng thấy ở các bệnh nhân nhiễm SARS.
Từ trường hợp này, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh việc sử dụng đồ bảo hộ dành cho bác sĩ nhãn khoa khi thăm khám lâm sàng bởi niêm mạc mắt không chỉ là nơi xâm nhập của virus mà còn là nguồn lây nhiễm. Quan trọng hơn, họ cảnh báo rằng đau mắt đỏ có thể là dấu hiệu sớm của nhiễm Covid-19.