Trong buổi công bố kết quả điều tra thảm họa MH17 hôm 13/10, các chuyên gia Hà Lan cho biết thi thể cơ trưởng MH17 đã bị "khám nghiệm cả bên trong lẫn bên ngoài" để xóa chứng cứ, che đậy nguyên nhân thực sự dẫn đến thảm kịch.
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn Hà Lan, hơn 120 vật thể, "hầu hết là các mảnh kim loại" đã được tìm thấy trên thi thể của của hai phi công, trong đó, cơ trưởng là người bị gãy xương và nhiều chấn thương khác.
Khi các chuyên gia Hà Lan tiến hành nhận dạng nạn nhân này, họ phát hiện thi thể đã trải qua một cuộc "khám nghiệm cả ngoài lẫn trong để di dời các vật thể" từ tên lửa Buk - vũ khí đã bắn hạ chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines.
Ba phi công đã thiệt mạng ngay lập tức khi tên lửa Buk phát nổ cách buồng lái của họ chỉ vài mét. Ảnh: Dutch Safety Board. |
Cũng theo báo cáo này, ba phi công đã thiệt mạng ngay lập tức khi tên lửa Buk phát nổ cách buồng lái của họ chỉ vài mét. Tên lửa vỡ tung thành hàng trăm mảnh và găm vào máy bay với một lực rất lớn.
Vụ nổ tên lửa cũng khiến buồng lái hoàn toàn bị tách rời khỏi phần thân máy bay.
Báo cáo cho biết hầu hết hành khách còn lại bất tỉnh khi máy bay rơi từ độ cao hơn 10.000 m, nhưng một số có thể vẫn còn ý thức trong quãng thời gian 90 giây rơi xuống đất.
Xem thêm video tái hiện khoảnh khắc MH17 bị tên lửa hủy hoại:
[mecloud]g04ld32Yyu[/mecloud]
"Không thể loại trừ khả năng một số người vẫn có ý thức trong vòng từ một phút tới một phút rưỡi vụ va chạm diễn ra", báo cáo ghi rõ.
Một nạn nhân được phát hiện vẫn đeo mặt nạ dưỡng khí, nhưng "không rõ làm thế nào mặt nạ nằm ở đó", báo cáo cho biết thêm.
Máy bay xấu số MH17 được phục hồi lại từ các mảnh vỡ. Ảnh: Reuters. |
Báo cáo của Hà Lan từ chối làm rõ thủ phạm đã bắn hạ máy bay của Malaysia Airlines và chỉ kết luận rằng tên lửa được bắn từ một khu vực rộng 320 km vuông ở đông Ukraine. Hà Lan sẽ tiến hành thêm các cuộc "điều tra pháp y" để xác định chính xác vị trí tên lửa được phóng đi.
Tuy nhiên, trả lời phóng viên bên lề quốc hội Hà Lan, chủ tịch ủy ban, ông Tjibbe Joustra, cho rằng tên lửa Buk đã được bắn ra từ một khu vực do phiến quân Ukraine kiểm soát.
"Nếu thực sự muốn xác định vị trí, chúng tôi phải lấy mẫu đất và thẩm vấn các nhân chứng. Việc này không thuộc thẩm quyền của chúng tôi", ông nói.
Chuyến bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi ngày 17/7/2014 khi đang bay qua phần lãnh thổ do phe ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine, làm toàn bộ 298 người trên khoang thiệt mạng.
Lê Huyền (tổng hợp)