Theo ông Hun Sen, một số nước và PCA đã "cấu kết" với nhau để thực hiện một "mưu đồ chính trị". Vì vậy ông không tôn trọng phán quyết của tòa.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh: Cambodiadaily |
Trả lời với báo chí, ông Hun Sen nói: "Đây không phải là vấn đề về luật pháp, nó hoàn toàn về chính trị. Tôi sẽ không ủng hộ bất kỳ phán quyết nào của tòa".
Ông Hun Sen cũng thể hiện sự giận dữ khi nhắc đến việc một số nước cho rằng Phnom Penh chịu áp lực từ Bắc Kinh nên đã "góp phần" gây ảnh hưởng tới bản tuyên bố chung của ASEAN tuần trước.
Ông miêu tả việc cáo buộc Phnom Penh gây khó dễ cho bản tuyên bố chung là "không thể chấp nhận được" và "rất bất công với Campuchia".Thủ tướng Campuchia cũng cho rằng các nước đưa ra lập luận đó "lợi dụng Campuchia để chống lại Trung Quốc".
Phát biểu này của ông Hun Sen được đưa ra trong bối cảnh tòa án Trọng tài quốc tế chuẩn bị đưa ra phán quyết cuối cùng cho vụ kiện Đường lưỡi bò phi lý mà Philippine đã đâm đơn kiện Trung Quốc.
Một số tờ báo dẫn các nguồn tin ngoại giao ASEAN cho hay Lào, Campuchia và Myanmar là những nước phản đối bản tuyên bố đầu tiên.
Hiện ASEAN đang cho thấy nhiều bất đồng nội bộ trong vấn đề biển Đông. Tuần trước, sự cố "rút lại tuyên bố chung" của hội nghị các ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc diễn ra tại Côn Minh, Trung Quốc cho thấy các nước ASEAN vẫn đang bị chia rẽ sâu sắc trong vấn đề biển Đông.
Càng ngày đến gần phán quyết của PCA , Trung Quốc càng tăng cường "lôi kéo" thêm các nước lên tiếng ủng hộ việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết dù nước này là thành viên của UNCLOS và theo quy định phải có nghĩa vụ thực hiện các phán quyết của tòa.
Danh sách lập trường các nước về phán quyết của PCA. Ảnh: WSJ |
Quý Vũ (Theo Reuters)