Những tình tiết mới được tiết lộ trong hội nghị đặc biệt giữa Trung Quốc và ASEAN hôm 14/6 tại Côn Minh càng làm sáng tỏ những rắc rối xung quanh tuyên bố Biển Đông của ASEAN.
Hôm 16/6, Thông tấn xã Việt Nam đã cho công bố văn bản đầy đủ của thông cáo báo chí do các Ngoại trưởng ASEAN soạn thảo tại hội nghị đặc biệt với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào 2 ngày trước đó. Nội dung thông cáo khẳng định rằng "các nước thành viên ASEAN đồng ý với nội dung trong tuyên bố báo chí của các Ngoại trưởng của họ".
Tờ Straits Times cũng xác nhận 10 bộ trưởng ASEAN đã đạt được sự đồng thuận về tuyên bố của ASEAN trong cuộc họp báo chung ở cuối hội nghị đặc biệt do Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan tổ chức. Singapore đang là quốc gia giữ vai trò điều phối các mối quan hệ đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc.
"Nhưng vào phút cuối, phía Trung Quốc đã gấy áp lực buộc các bộ trưởng ASEAN thay đổi sự đồng thuận 10 điểm, điều mà ASEAN không thể chấp nhận", tờ Straits Times viết.
ASEAN rút lại tuyên bố chung ban đầu về Biển Đông do nội bộ còn thiếu đồng thuận. Anh: Reuters |
Các bộ trưởng ASEAN đã quyết định bà Balakrishnan "sẽ không tham dự bất cứ cuộc họp báo chung nào vì đó chính là một cách phản đối khiếm nhã đối với Trung Quốc trước công chúng". Các bộ trưởng ASEAN cũng quyết định đưa ra một tuyên bố chung nhưng theo những cách riêng của họ đến các phương tiện truyền thông. Theo Straits Times, "Đó cũng là biểu hiện cho thấy ASEAN bị Trung Quốc chia rẽ sau khi nước này vận động hành lang các quốc gia thân cận trong tổ chức để ngăn chặn một bản tuyên bố chung".
Truyền thông cho rằng, Trung Quốc đã gây áp lực ngoại giao với Lào và Campuchia để khiến hai nước này không tán thành bản thông cáo báo chí chung của nhóm. Trung Quốc cũng xác nhận tiếp cận Lào - nước đang giữ vai trò Chủ tịch ASEAN.
Các bộ trưởng ASEAN sau đó quyết định rằng mỗi quốc gia thành viên sẽ đưa ra "một tuyên bố riêng mà họ cảm thấy phù hợp". Cũng có sự mập mờ về việc bản tuyên bố chung ban đầu của ASEAN đã bị điều chỉnh như thế nào. Trong bối cảnh này, Malaysia, quốc gia tỏ ra thất vọng trước "áp lực mà Trung Quốc gây ra trong ASEAN", đã công bố bản tuyên bố chung ban đầu cho một hãng thông tấn lớn trên thế giới. Bản thông báo ban đầu sau đó đã bị hủy bỏ theo chỉ thị từ ban thư ký ASEAN. Tại thời điểm đó, các bộ trưởng ASEAN đã bị phân tán.
Theo tiết lộ của một nhà ngoại giao ASEAN với Straits Times, "Malaysia đã phát hành tuyên bố báo chí thể hiện sự thất vọng vô cùng về phản ứng của 5 thành viên ban đầu trong khối ASEAN đối với thái độ lỗ mãng và ngạo mạn của Trung Quốc".
Vậy điều gì ẩn sau quyết định rút lại tuyên bố chung đã được thống nhất trước đó và ai đứng sau chuyện này?
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại hội nghị đặc biệt ASEAN - Trung Quốc. Ảnh: Internet |
Hiện tại, văn bản đầy đủ thông cáo báo chí của các Ngoại trưởng ASEAN đã được công bố trên các phương tiện truyền thông. Điểm nổi bật là đoạn thứ hai của thông cáo đề cập khá thẳng thắn mối quan hệ ASEAN - Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
"Chúng tôi ghi nhận rằng năm 2016 là dấu mốc quan trọng trong quan hệ ASEAn - Trung Quốc vì nó đánh dấu kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc. Chúng tôi muốn làm việc cùng Trung Quốc để mang hợp tác ASEAN - Trung Quốc lên một cấp độ tiếp theo. Nhưng chúng tôi cũng không thể phớt lờ những gì đang diễn ra ở Biển Đông vì nó là một vấn đề quan trong trong hợp tác và quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc. Đó chính là bối cảnh đang xảy ra khi hội nghị đặc biệt ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc được tổ chức ngày hôm nay".
Theo The Diplomat, sự tranh cãi sau hội nghị đặc biệt ASEAN - Trung Quốc là sản phẩm của một Trung Quốc độc đoán và một ASEAN lộn xộn, thiếu hợp tác, thiếu đồng thuận và đưa ra quyết định dưới áp lực.
Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo, bồi lấp đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Ảnh: CSIS |
Vấn đề còn lại chính là nội bộ ASEAN. Họ phải giải thích cách xử lý vấn đề này và quan trọn hơn là làm rõ tình trạng của bản tuyên bố chung cũng như bất cứ sửa đổi nào có thể được thực hiện. Tất cả các thành viên ASEAN, bao gồm Campuchia và Lào phải xác nhận lại sự ủng hộ đối với bản tuyên bố chung và giải thích tại sao họ rút lại.
Một báo cáo gần đây của Sáng kiến minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) đã chứng minh rằng, tuyên bố nhận được sự hỗ trợ của 60 quốc gia trong vấn đề Biển Đông của Trung Quốc gây hoài nghi và rất có vấn đề. Báo cáo của AMTI xác định 50 quốc gia xuất hiện trong danh sách của Trung Quốc thì trong đó mới 8 nước xác nhận ủng hộ, 39 nước vẫn giữ im lặng hoặc ra tuyên bố mơ hồ, 3 nước phủ nhận tuyên bố ủng hộ Trung Quốc (trong đó có Campuchia).
Điều quan trọng hơn, các bộ trưởng ASEAN phải tăng gấp đôi nỗ lực của họ để đạt được thỏa thuận về một tuyên bố chung được đưa ra công khai sau khi Tòa Trọng tài thường trực ra phán quyết về vụ kiện chống lại Trung Quốc của Philippines. Theo truyền thông Philippines, nhiều khả năng, phán quyết sẽ được đưa ra vào ngày 7/7 tới.
Lê Huyền (The Diplomat, Straits Times)