Tin mới

Thủ tướng Nepal: “10.000 người có thể thiệt mạng vì động đất”

Thứ ba, 28/04/2015, 15:53 (GMT+7)

Thủ tướng Nepal cho biết số người thiệt mạng vì động đất ở nước này có thể lên tới 10.000 và ông yêu cầu tăng cường nỗ lực cứu hộ, cũng như kêu gọi quốc tế hỗ trợ lều bạt, thuốc men.

Thủ tướng Nepal cho biết số người thiệt mạng vì động đất ở nước này có thể lên tới 10.000 và ông yêu cầu tăng cường nỗ lực cứu hộ, cũng như kêu gọi quốc tế hỗ trợ lều bạt, thuốc men.

Reuters trích dẫn lời Thủ tướng Nepal ông Sushil Koirala cho biết số người thiệt mạng trong trận động đất ở Nepal có thể lên tới 10.000 người và ông yêu cầu tăng cường nỗ lực cứu hộ, cũng như kêu gọi quốc tế hỗ trợ lều bạt, thuốc men.

Chính phủ đang làm mọi điều có thể để tìm kiếm và cứu hộ" nạn nhân của trận động đất, Thủ tướng Sushil Koirala cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters. "Đây là một thách thức và thời khắc vô cùng khó khăn với Nepal."

Thủ tướng Koirala phát biểu khi những người sống sót của trận động đất cho biết sự tuyệt vọng trong họ đã biến thành giận dữ, do chính phủ phản ứng quá chậm chạp trước thảm họa động đất. Nepal đang đối mặt với một thảm họa nhân đạo, với thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm khác thiếu nghiêm trọng.

CNN dẫn số liệu do nhà chức trách Nepal công bố hôm nay cho biết, số người chết do trận động đất mạnh 7,8 độ Richter ở Nepal hôm 25/4 đã lên đến hơn 4.400 người. Số người bị thương là hơn 8.000.

Trận động đất 25/4 có thể là thảm họa tồi tệ nhất lịch sử Nepal

Liên Hợp Quốc ước tính có 8 triệu người cùng hơn hai triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi trận động đất, trong đó 1,4 triệu người đang cần được hỗ trợ về lương thực. Hiện có nhiều tổ chức và chính phủ từ 16 quốc gia viện trợ và cử người đến hỗ trợ cho Nepal, tuy nhiên khó khăn vẫn chồng chất.

Theo tờ New York Times, phải mất tới 5 giờ đi bằng xe từ thủ đô Katmandu, sau đó đi bộ nhiều cây số qua khu vực đường bị đất đá lở phong tỏa, họ mới tới được những ngôi làng gần tâm chấn, nơi người dân đang mai táng các nạn nhân xấu số và chờ đợi cứu trợ trong tuyệt vọng.

Trong chiều 27/4, Parbati Dhakal cùng hàng chục người hàng xóm đã phải đi bộ 2 giờ trên đường mòn, để khênh thi thể của 11 người được buộc vào thân những cây tre. Họ dừng lại tại một bờ sông và chôn những thi thể này trong các hố.

Một trong những người làng chỉ vào những người có mặt tại đó và nhận dạng từng người một: “cha đã được chôn; mẹ đã được chôn; em gái đã được chôn.”

Trở về làng Saurpani, một khu vực của người dân tộc Gurkha tại tâm chấn của trận động đất mạnh 7,8 độ richter ngày 25/4, bà Dhakal nói: “Chúng tôi không có chỗ ở, không thực phẩm và tất cả các thi thể vẫn nằm rải rác khắp nơi”.

Hai ngày sau trận động đất tồi tệ nhất Nepal hơn 80 năm qua, con số người thiệt mạng chính thức là hơn 4300 người, và hàng hóa viện trợ nhân đạo bắt đầu đến với thủ đô Nepal. Sân bay Katmandu bị quá tải tới mức các chuyến bay phải chờ hàng giờ trên đường băng.

Thế nhưng bên ngoài thủ đô, nhiều ngôi làng bị tàn phá nặng nề nhất nằm quanh Katmandu vẫn là một hố đen, bị bao vây bởi các vụ lở đất khiến không ai có thể tiếp cận, ngay cả lực lượng vũ trang Nepal.

Giới chức địa phương ngày hôm qua bắt đầu thả những kiện hàng cứu trợ gồm lều bạt, thực phẩm khô và thuốc men xuống càng làng nằm trên núi, nhưng nỗ lực cho trực thăng đáp xuống đã phải hủy bỏ.

Người đứng đầu khu vực Gorkha, Uddhav Timilsina cho biết các đội cứu hộ thậm chí không thể phân phát hàng cứu trợ, do họ phải đối mặt với 8-10 điểm sạt lở đất giữa một ngôi làng và khu vực gần nhất kế bên. Có 250 người thiệt mạng được xác định, nhưng sẽ phải cần thêm thời gian để biết con số chính xác.

“Liên lạc bị gián đoạn, điện đã mất, đường thì bị phong tỏa, chúng tôi có thể làm gì đây”, Timilsina nói.

Các nhà địa chất học trên thế giới nhận định, những trận động đất lớn thường xảy đến với Nepal theo chu kỳ 75 năm. Lần này, Nepal phải hứng chịu một hậu quả nặng nề của trận động đất mạnh 7,9 độ richter còn bởi một lẽ là mật độ xây dựng tại thủ đô quá dày đặc. Không phải cơn địa chấn mà chính là các tòa nhà cao tầng bị đổ sập đã làm chết nhiều người dân.

GS Roger Bilham thuộc Trường Đại học Colorado của Mỹ, người đang nghiên cứu về lịch sử của những trận động đất xảy ra tại Nepal, cho biết, những rung chấn trong một đến hai phút vừa qua đã "kéo cả thủ đô Kathmandu trượt về phía Nam khoảng 3m”. Điều này khiến những ảnh hưởng do động đất gây ra càng trở nên trầm trọng hơn. Một số chuyên gia khác thì cho rằng, cơn địa chấn hôm 25/4 chỉ là “khởi đầu cho một trận động đất khác lớn hơn”.

Đồng quan điểm này, GS Yagi Yuji thuộc trường Đại học Tsukuba của Nhật Bản nhận định rằng, nguyên nhân của trận động đất tại Nepal là do chuyển động của vết đứt gãy địa chất dài khoảng 150km, rộng khoảng 120km. Kết quả cho thấy động đất xuất hiện gần ranh giới giữa lục địa Á - Âu và mảng kiến tạo Ấn Độ di chuyển về phía Bắc vào Trung Á với tốc độ 5cm/năm.

Trong khi đó, một số nhà khoa học thì cảnh báo, Kathmandu không phải là nơi duy nhất sẽ xảy ra động đất với cường độ lớn mà một số nơi khác cũng có nguy cơ như Tehran ở Iran, Haiti, Peru, Indonesia,…

Phương Huyền (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news