Tin mới

Thương vụ Mistral đổ bể, Nga - Pháp "lưỡng bại câu thương"

Thứ bảy, 08/08/2015, 09:48 (GMT+7)

Theo nhận định của các chuyên gia, thương vụ Mistral bị hủy bỏ khiến Nga bị thiệt hại về mặt tài chính do lạm phát trong khoảng thời gian giữa các giao dịch, còn Pháp thì hoàn toàn mất chữ tín trong vai trò đối tác cung cấp vũ khí.

Theo nhận định của các chuyên gia, thương vụ Mistral bị hủy bỏ khiến Nga bị thiệt hại về mặt tài chính do lạm phát trong khoảng thời gian giữa các giao dịch, còn Pháp thì hoàn toàn mất chữ tín trong vai trò đối tác cung cấp vũ khí.

Theo thông cáo chung của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm 5/8, hai nước đã đạt được một thỏa thuận nhằm hủy hợp đồng bàn giao 2 chiến hạm Mistral.

Theo đó, Moscow sẽ nhận lại toàn bộ số tiền đã trả cho Paris theo hợp đồng, cũng như các thiết bị và vật liệu do Nga cung cấp. Pháp đã chuyển số tiền đó, và sau khi Paris trả lại các thiết bị thì sẽ có quyền sở hữu và có thể bán cho bên thứ ba hay làm gì theo ý mình với hai tàu chiến này", Kremlin cho biết.

Mặc dù ban đầu, số tiền mà Paris hoàn lại cho Moscow không được tiết lộ nhưng sau đó, báo chí Nga đưa tin rằng Pháp đã bí mật chuyển 1,1 tỷ euro vào một trong các ngân hàng của Nga.

Thương vụ Mistral bị hủy bỏ cũng khiến giới chuyên gia đưa ra những nhận định trái chiều về việc bên nào hưởng lợi, bên nào thiệt hại.

Theo chuyên gia Vladimir Yevseyev, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Nga, quyết định hủy bỏ hợp đồng và trả lại cho Nga 1,1 tỷ euro mang lại lợi ích cho cả hai bên. Pháp cho thấy rằng, họ thực hiện các cam kết của mình.

Giới chuyên gia cho rằng, dù mức độ thiệt hại khác nhau, song cả Nga và Pháp đều có những vấn đề riêng phải đối mặt sau khi thương vụ Mistral bị hủy bỏ.

Còn đối với Nga, tình hình cuối cùng trở nên rõ ràng. Moscow sẽ nhận lại toàn bộ số tiền của mình đã đặt trước, và về mặt quân sự không bị thiệt hại bởi vì không có nhu cầu lớn về hai tàu chiến lớp này.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Dự báo quân sự Anatoly Tsyganok, Paris cho toàn thế giới thấy rằng, Pháp là một đối tác không đáng tin cậy trong lĩnh vực cung cấp vũ khí.

Aleksey Fenenko, chuyên gia cao cấp của Viện các vấn đề an ninh quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng, trong thương vụ Mistral không có bên thắng, cả Paris và Moscow đều bị thiệt hại. Nga bị thiệt hại về mặt tài chính do lạm phát trong khoảng thời gian giữa các giao dịch. Mặt khác, việc hủy bỏ hợp đồng là một đòn giáng mạnh vào Pháp với tư cách nhà cung cấp vũ khí cho thị trường thế giới. Đây là một bằng chứng cho thấy rõ rằng, Mỹ và Anh có thể gây áp lực với Pháp để buộc Paris thay đổi lập trường của mình.

Dù tồn tại những ý kiến bất đồng, song hầu hết các chuyên gia quân sự đều cho rằng, hợp đồng này đã từng được ký kết vì lý do chính trị. Chuyên gia  Anatoly Tsyganok cho rằng, có rất nhiều lý do cho thấy Mistral không thể được sử dụng trong Hải quân Nga như: Mistral không thể hoạt động ở khu vực Cực Bắc; trong thành phần nhiên liệu có những  chất không sản xuất tại Nga; không có thiết bị kỹ thuật để bảo vệ vững chắc tàu chiến khỏi các cuộc tấn công từ biển, từ trên không và đất liền, và trong các chiến dịch quân sự chiến hạm lớp này nhất định phải có các tàu đi cùng. Cứ mỗi sáu tháng, tàu chở trực thăng phải được sửa chữa, và để thực hiện các công việc này phải đưa tàu vào ụ đặc biệt.

Chuyên gia Nga giải thích thêm rằng, cách thiết kế tàu lớp Mistral không phù hợp cho các loại kỹ thuật quân sự và vũ khí của Nga, khó thực hiện những chiến dịch đổ bộ từ tàu chiến này.

Trước đây đã có tin rằng, Nga đang xây dựng các tàu đổ bộ cỡ lớn lớp Ivan Gren - tàu chiến lớn nhất trong lớp này. Những tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn có thể mang nhiều máy bay trực thăng và có các đặc tính tương tự như Mistral.

Nhiều khả năng, Pháp sẽ rất khó khăn và tốn nhiều thời gian để bán được hai tàu chiến này, trong khi Nga đã có kế hoạch cho một tàu chiến mới hiện đại hơn nhiều.

Một nguồn tin cho hãng tin RIA Novosti biết rằng toàn bộ các hệ thống liên lạc do Nga sản xuất, được gỡ khỏi tàu Mistral, sẽ tái sử dụng trong các tàu chiến khác của quân đội.

Các máy bay trực thăng vũ trang Kamov Ka-52K (Katran), từng được lên kế hoạch hoạt động trên các tàu Mistral, cũng sẽ được triển khai trên các tàu chiến Nga.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết, một số quốc gia đã thể hiện sự quan tâm đến Mistral.

Tuy nhiên, rõ ràng dù rất muốn, Pháp cũng không thể nhanh chóng bán các tàu Mistral vì công việc này chẳng dễ dàng gì.

"Bán tàu là chuyện đặc biệt khó khăn trong những ngày này. Họ phải cắt giảm thật mạnh giá cả, để khiến các con tàu này trở nên hấp dẫn", Ben Moores, một nhà phân tích quốc phòng của công ty tin tức quân sự IHS Jane's ở London. Chuyên gia này cũng cảnh báo việc bán tàu sẽ phải mất nhiều năm trời.

Nga đã ký hợp đồng với Pháp để mua 2 tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral hồi tháng 6/2011. Theo hợp đồng, Pháp chuyển giao chiến hạm lớp Mistral đầu tiên, tên gọi Vladivostok, cho Nga vào tháng 11/2014 và chiếc thứ 2 trong năm nay.

Tuy nhiên, quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ phe đòi độc lập ở miền đông Ukraine đã khiến Paris "treo" quyết định bàn giao tàu chiến.

Hợp đồng với Pháp là hợp đồng vũ khí lớn đầu tiên của Nga với phương Tây trong vòng 2 thập kỷ qua. Khi hợp đồng được ký, tổng thống Pháp lúc đó là ông Nicolas Sarkozy ca ngợi đây là bằng chứng cho thấy Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt.

Lê Huyền (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: Mistral