Khi đứng giám sát vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa vào sáng ngày 4/7, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nằm trong tầm ngắm của tên lửa Mỹ suốt hơn một giờ.
Tờ Business Insider ngày 12/7 đưa tin, trong vụ phóng tên lửa Hwasong-14 hôm 4/7, các nhân viên quân sự và tình báo Mỹ không chỉ nắm được toàn bộ hoạt động của kíp phóng trong vòng 70 phút. Thời khắc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hút thuốc, đi vòng quanh bệ phóng đều nằm trong tầm ngắm của Mỹ.
Lầu Năm Góc trước đó cũng xác nhận trinh sát cơ RC-135S của họ tại Nhật Bản đã phát hiện tên lửa Hwasong-14 ngay từ giai đoạn nạp nhiên liệu và theo dõi sát toàn bộ quá trình phóng.
Theo các chuyên gia quân sự, đây là thời điểm rất thích hợp để Mỹ tung đòn tấn công phủ đầu, ngăn chặn vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng. Đáng nói hơn nữa là việc ông Kim hút thuốc lá và đứng sát bệ tên lửa trong quá trình chuẩn bị phóng. Nhiên liệu lỏng sử dụng trên tên lửa Hwasong-14 rất dễ bắt cháy và phát nổ ngay trên bệ phóng, có thể phá hủy mọi mục tiêu ở xung quanh.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hiện trường vụ phóng ICBM hôm 4/7. Ảnh: KCNA |
Điều khiến các nhà phân tích ngạc nhiên là, dù nhà lãnh đạo Triều Tiên đã nằm trong tầm ngắm của tên lửa Mỹ trong hơn một giờ nhưng Washington đã không có bất cứ động thái nào tấn công nào.
Rodger Baker, chuyên gia hàng đầu về châu Á - Thái Bình Dương và Nam Á thuộc Viện phân tích chiến lược Stratfor, cho rằng các chiến lược gia Mỹ đã cố tình công bố thông tin này như một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Triều Tiên.
"Mỹ đã không tấn công trước lúc tên lửa được phóng đi là điều khá bình thường. Điều không bình thường là họ nói họ đang theo dõi hoặc ít nhất cũng để thông tin đó lộ ra", Bake nói.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang tên Hwasong-14 của Triều Tiên được phóng từ một địa điểm bí mật ngày 4/7. Ảnh: Yonhap |
Theo Baker, bằng việc để Triều Tiên biết được rằng lãnh đạo nước mình đã bị theo dõi chặt chẽ trong vụ phóng ICBM, Washington muốn Bình Nhưỡng thấy rằng họ chỉ tìm cách trấn an thay vì kích động Triều Tiên, đồng thời việc ám sát lãnh đạo hay lật đổ chính quyền không phải là mục tiêu của Mỹ.
"Thay vì ám sát ông Kim và kích động phản ứng có thể rất mạnh từ Triều Tiên, Mỹ chọn cách đưa ra thông điệp rằng cách tốt nhất để bảo vệ chế độ là ông Kim nên ngồi ở nhà và đừng đến gần động cơ tên lửa nguy hiểm vốn có thể nổ tung bất cứ lúc nào", chuyên gia này nhấn mạnh.
Baker khẳng định rằng, Mỹ vẫn nắm chặt chẽ các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và hình ảnh về các vụ phóng này luôn xuất hiện nhà lãnh đạo Kim Jong-un gần đó, dù Bình Nhưỡng có liên tục thay đổi và cố gắng ngụy trang các điểm phóng.
Lê Huyền (tổng hợp)